Để hóa giải những nguy cơ trong ngành gỗ

09:47 | 05/12/2019

Để phát triển bền vững, ngành gỗ còn cần phải có những cơ chế chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI

Giảm thiểu rủi ro để phát triển ngành gỗ bền vững
Ngành gỗ trước vận hội mới
Gian lận thương mại là thách thức lớn nhất với ngành gỗ xuất khẩu

Trong xu thế chuyển dịch kinh tế, doanh nghiệp FDI ngành gỗ đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng và vấn đề lớn đặt ra là phải cảnh giác với chiêu trò đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”, có thể gây hệ lụy lớn đến xuất khẩu gỗ nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2018 có 529 doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ trực tiếp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,48 tỷ USD của ngành. Từ đầu năm 2019 đến nay, số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu tăng lên con số 565, với tổng kim ngạch gần 3,4 tỷ USD, tương đương 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (7,3 tỷ USD) các mặt hàng gỗ của cả ngành trong cùng giai đoạn. Không chỉ trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp FDI khác hiện còn đang cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến, cung cấp dịch vụ logistics và các loại hình dịch vụ khác trong ngành gỗ.

de hoa giai nhung nguy co trong nganh go
Để phát triển bền vững, ngành gỗ còn cần phải có những cơ chế chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đầu tư FDI trong ngành gỗ đang được mở rộng với cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Điều này cho thấy ngành gỗ Việt vẫn đang rất hấp dẫn bởi các điểm mạnh như giá nhân công thấp, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào dễ dàng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Tuy nhiên, có không ít ý kiến lo ngại sự mở rộng khối FDI trong ngành gỗ sẽ tạo ra những rủi ro mới cho ngành này và cần phải có các cơ chế kiểm soát rủi ro. Thực vậy, đến nay một số tín hiệu cho thấy đầu tư FDI đang bộc lộ một số vấn đề và Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị nhận định “Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng”. Cũng như vậy, Quyết định 824/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng đưa ra các cảnh báo về “các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa”. Bên cạnh các rủi ro này, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo một số các tồn tại khác trong ngành như sự liên kết lỏng lẻo giữa khối các doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp FDI làm cho các kỳ vọng về dịch chuyển trình độ quản lý, khoa học công nghệ từ khối FDI sang khối doanh nghiệp nội địa - một trong những mục tiêu khi thu hút vốn FDI - sẽ khó có thể trở thành hiện thực.

Ông Điều Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cũng cảnh báo các hiệp hội và doanh nghiệp ngành gỗ, bởi nhìn vào thực trạng thì có thể thấy nguy cơ rất lớn vì doanh nghiệp FDI liên tục tăng với các dự án mới, quy mô vốn lớn, trong khi doanh nghiệp Việt vẫn chưa có động tĩnh gì để tăng vốn, tăng quy mô sản xuất. Và kim ngạch xuất khẩu tăng chỉ là từ khối doanh nghiệp FDI, chính vì vậy cần phải kiểm tra làm rõ xem có gian lận xuất xứ hay không? “Cho nên các hiệp hội và doanh nghiệp phải chủ động phát hiện xem có hiện tượng bán C/O hay không, thay vì thụ động ngồi chờ đến khi chính các nước nhập khẩu sản phẩm kiểm tra và đưa ra một chính sách nào đó. Điều này rất nguy hiểm cho ngành sản xuất gỗ và cho cả nền kinh tế chúng ta”, ông Hiệp nói.

Để phát triển bền vững, ngành gỗ còn cần phải có những cơ chế chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI. Ông Lập đề xuất việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Ưu tiên rà soát cần tập trung vào các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, bao gồm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, với vốn đăng ký dưới 1 triệu USD/dự án. Việc rà soát cũng có thể mở rộng với các doanh nghiệp có quy mô vốn tương tự, đăng ký đầu tư năm 2018. Sau đó có thể mở rộng việc rà soát, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư khoảng 1-3 triệu USD/dự án và một số dự án tăng vốn, mua cổ phần, tập trung vào các dự án sản xuất ván gỗ. Bên cạnh đó, các hiệp hội gỗ địa phương cũng cần thông qua các thành viên của mình để nắm bắt được thực trạng các doanh nghiệp ngoại hiện đang thuê thiết bị, nhà xưởng, nhân công từ các doanh nghiệp nội để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét mở rộng mô hình hoạt động của các hiệp hội, đưa các doanh nghiệp FDI trở thành thành viên chính thức, nhằm tạo ra những kết nối tốt giữa các doanh nghiệp ở cả hai khu vực, giúp tăng cường trao đổi thông tin, từ đó góp phần giảm thiểu các xung đột lợi ích. Điều này cũng góp phần trong kiểm soát hiệu quả đầu tư FDI trong ngành gỗ, giúp ngành phát triển bền vững trong tương lai.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều