Để mô hình hợp tác xã tiêu dùng phát huy hiệu quả

07:00 | 07/11/2019

Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản; quy hoạch tổng thể nguồn sản xuất, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin cho nhà sản xuất, phân phối nắm bắt kịp thời tránh thiệt hại và giảm rủi ro...

Dồn lực hỗ trợ kinh tế tập thể
Nâng cao vai trò kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Vốn ngân hàng làm “bệ đỡ” cho hợp tác xã

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tại hội thảo dành cho các nhà quản lý bản lẻ các nước trong khu vực của Liên minh Hợp tác xã (HTX) quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (ICA-AP) diễn ra mới đây tại TP.HCM với sự tham dự của nhiều quốc gia Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Myanmar, Philippines...

Saigon Co.op sau 30 năm hoạt động (1989 – 2019), từ một hợp tác xã nhỏ gặp nhiều khó khăn đã trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng với hơn 800 siêu thị lớn nhỏ, đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày, doanh thu trung bình mỗi năm hơn 33.000 tỷ đồng, tương đương gần 1,5 tỷ USD. Hiện nay, Saigon Co.op là một trong những mô hình bán lẻ hiện đại phát triển thành công tại Việt Nam. Hệ thống của Saigon Co.op “phủ sóng” rộng khắp từ thành thị đến nông thôn với những cái tên quen thuộc với người tiêu dùng như siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile, cửa hàng tiện lợi 24h Cheers…

de mo hinh hop tac xa tieu dung phat huy hieu qua
Kinh tế tập thể tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân

Tính tới thời điểm hiện tại, ICA-AP đã có 13 nước thành viên, với 19 tổ chức Hợp tác xã. Trong đó, Saigon Co.op là thành viên tích cực đến từ Việt Nam, thuộc top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương. Ông Haruyoshi Amano, Chủ tịch Ban Tiêu dùng ICA-AP khẳng định, vai trò của mô hình hợp tác xã trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay không chỉ là hỗ trợ các thành viên làm kinh tế, mà còn hướng tới an sinh, phúc lợi cho người dân. Đặc biệt, mô hình hợp tác xã ngày càng khẳng định hướng đi phát triển bền vững và trở thành mô hình kinh tế hiệu quả cho vùng nông thôn.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khu vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã có gần 24.000 hợp tác xã, 80 liên hiệp hợp tác xã và trên 100.000 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với sự tham gia của gần 8 triệu thành viên và giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động. Cùng với đó, mỗi năm khu vực kinh tế tập thể này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10% và tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ các hợp tác xã như các Quy định 28, tiếp đến là Quy định 72 về quy chế xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, để mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới, cần phải gỡ vướng một số vấn đề.

Cụ thể như hiện nay, nhiều hợp tác xã chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến công nghệ chế biến, làm giảm chất lượng, giá trị sản phẩm đầu ra, chi phí giá thành sản phẩm cao… Như vậy, trong thời gian tới, các hợp tác xã phải xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt đối với các sản phẩm mang tính đặc sản; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa đưa vào phân phối, lưu thông.

Về phía các nhà phân phối, cần tăng cường hợp tác liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu, kết nối các địa phương để phát triển mạng lưới bán lẻ, tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm hữu cơ, xây dựng niềm tin và đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu…

“Đặc biệt, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản; quy hoạch tổng thể nguồn sản xuất, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin cho nhà sản xuất, phân phối nắm bắt kịp thời tránh thiệt hại và giảm rủi ro. Đồng thời, tăng cường liên kết, mở rộng, xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn...”, chuyên gia phân tích.

Liên hiệp Hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam (VCCU) mới đây được thành lập, là nơi để tất cả các hợp tác xã trên cả nước có thể liên kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, hướng tới tạo ra chuỗi giá trị liên kết hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc này rất phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hợp tác xã. Đặc biệt, tiêu thụ sản phẩm đang là một vấn đề rất cần được quan tâm với ngành nông nghiệp Việt Nam, để tạo ra môi trường hợp tác tương hỗ cùng phát triển.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều