Để người nghèo vùng cao hưởng lợi từ cây chè

10:23 | 16/05/2012

Dự án "Sự tham gia của dân tộc thiểu số trong chuỗi giá trị chè Shan ở Hà Giang" đã mang lại thu nhập cho người trồng chè vùng cao. Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch - Giám đốc Công ty TNHHTM Hùng Cường - đơn vị thực hiện dự án.

Chè Shan nổi tiếng của Hà Giang được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông nhận định về tương lai của dòng chè này?

Xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có điều kiện thiên nhiên rất phù hợp cho cây chè phát triển, tuổi thọ cây chè rất cao, có những cây chè sống hàng ngàn năm tuổi. Vùng chè Cao Bồ đã được các nhà khoa học xác định đây là vùng thủy tổ của cây chè Shan tuyết. Loại chè này có nội chất rất tốt chứa hàm lượng các chất đạm, đường, các loại vitamin rất cao. Điều này tạo được sự quan tâm của khách hàng, tạo sức hút để phát triển kinh doanh chè cả về số lượng, chất lượng mang lại thu nhập cao cho người làm chè.

Nhận thấy đây là sản phẩm chè đặc biệt, Nhà máy chè Cao Bồ trực thuộc Công ty TNHHTM Hùng Cường đã từ lâu gắn kết thu mua, sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè búp tươi cho nông dân. Công ty đã sản xuất sản phẩm chè hữu cơ Cao Bồ, xây dựng thương hiệu cho chè Cao Bồ và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Công ty đã được tổ chức quốc tế Global Vương quốc Anh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO, an toàn thực phẩm HACCP, xuất khẩu thâm nhập thị trường trên 20 nước trên thế giới. Đến nay, nhà máy chè Cao Bồ đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ do tổ chức IFOM của Italia cấp, được xuất khẩu vào thị trường các nước trong khối EU, Canada, Mỹ và các nước châu Á tham gia tổ chức liên đoàn hữu cơ quốc tế.

Ảnh: MH
Người nông dân tăng thu nhập từ dự án phát triển chè Shan. (Ảnh: MH)

Công ty hiện đang thực hiện Dự án "Sự tham gia của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số vào chuỗi giá trị chè Shan tỉnh Hà Giang". Đây có phải là dự án có hiệu quả?

Dự án này do Quỹ Thách thức Việt Nam và Công ty TNHHTM Hùng Cường thực hiện nhằm góp phần bảo vệ giống chè Shan tại vùng núi cao của Việt Nam, trong đó có những cây trên 100 tuổi. Đồng thời dự án tác động tích cực, tăng thu nhập cho những hộ nông dân, phần lớn là người dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là phụ nữ, sống tại các vùng hẻo lánh của Hà Giang, họ chủ yếu dựa vào việc sản xuất chè. Tổng ngân sách dự án khoảng 575.000 USD, trong đó Quỹ Thách thức Việt Nam đóng góp khoảng 215.000 USD.

Diện tích trồng chè trong dự án rộng hơn 740 ha và có thể là một trong những dự án chè được chứng nhận hữu cơ lớn nhất Đông Nam Á, cả về số lượng nông hộ và diện tích canh tác. Đến nay đã có gần 760 hộ nghèo từ 11 bản đã được đào tạo về trồng chè hữu cơ. Tính riêng trong năm 2011, khoảng 740 tấn chè búp tươi được công ty thu mua của các nông hộ tham gia dự án với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Nhờ đó thu nhập từ chè của nông hộ đã tăng trung bình 130%.

Trong việc thực hiện dự án, công ty có gặp khó khăn gì?

Mật độ trồng chè hiện chưa bảo đảm, năng suất thấp, chất lượng thu hái chưa được nâng cao. Các vườn chè nằm ở dưới tán rừng, cách xa khu dân cư sinh sống, lao động tham gia chăm sóc thu hái chủ yếu là lao động nữ, kiến thức sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, chưa đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cản trở lớn nhất là trình độ nhận thức của người dân chưa cao, tư liệu sản xuất lạc hậu…

Vì vậy, công ty đã triển khai hỗ trợ các hộ trồng chè mỗi hộ 2 triệu đồng và đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật canh tác miễn phí nhằm nâng cao năng suất, sản lượng chè. Bước đầu đã có 300 hộ được đào tạo và tổ chức thành các nhóm thu mua chè.

Để tránh nông dân tự phát bán nguyên liệu cho các nhà thu mua khác khi có biến động giá, tất cả các nhóm đều ký hợp đồng với công ty và cam kết thực hiện đúng hợp đồng. Sau đó, nhóm được tập huấn về kỹ thuật và quy trình canh tác hữu cơ, các yêu cầu và các bước cần thiết để đạt được chứng nhận hữu cơ, ghi chép sổ sách, trồng cây mới, xử lý dịch bệnh, hái và chế biến, sản xuất phân hữu cơ.

Trong năm 2011 công ty đã tiêu thụ được gần 25 tấn chè xanh orthodox thành phẩm và 33 tấn chè đen orthodox thành phẩm, chủ yếu cho khách hàng nước ngoài. Bởi vậy, giá bán chè người dân năm 2011 tăng 168% so với năm 2010. Dự kiến năm 2012 tăng 200% so với năm 2010 góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

Nguyễn Hiếu thực hiện

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều