Để quản lý dòng tiền hiệu quả

09:02 | 17/02/2015

Theo ông Aseem Goyal, Giám đốc bộ phận quản lý dòng tiền và Tài trợ thương mại của Ngân hàng ANZ Việt Nam, cần khá nhiều thời gian cho cả DN và ngân hàng để triển khai hệ thống quản lý dòng tiền và các giải pháp tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng. Chỉ khi DN thực sự hiểu lợi ích của các giải pháp này thì họ mới cam kết đầu tư và bỏ công sức để thay đổi.

de quan ly dong tien hieu qua
Ông Aseem Goyal

Các giải pháp về quản lý dòng tiền, tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng không còn xa lạ với các DN nước ngoài và các DN đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp này tại DN Việt vẫn còn ở quy mô nhỏ. Lợi ích của các giải pháp này là gì? Nguyên nhân nào khiến các DN Việt vẫn chưa “mặn mà” đưa giải pháp này vào DN mình? Cuộc trao đổi giữa phóng viên Thời báo Ngân hàng với ông Aseem Goyal, Giám đốc bộ phận quản lý dòng tiền và Tài trợ thương mại của Ngân hàng ANZ Việt Nam sẽ góp phần trả lời những câu hỏi trên.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của phòng tài chính cũng như các giám đốc tài chính trong các DN Việt Nam hiện nay?

Toàn cầu hóa và hội nhập mang đến cơ hội tăng trưởng, nhưng đồng thời cạnh tranh cũng khốc liệt hơn và là thách thức lớn cho các DN. Trong các cuộc trao đổi với các giám đốc tài chính gần đầy, tôi nhận thấy thách thức chính của họ là làm thế nào đạt được mục tiêu kép giữa tăng trưởng và lợi nhuận cao, đồng thời với quản lý thanh khoản, dòng vốn cũng như quản lý rủi ro của DN.

Mỗi DN cần có chiến lược định vị rõ ràng về sản phẩm cũng như dịch vụ mà họ cung cấp để đạt được mục tiêu tăng trưởng tài chính. Nhưng có một thực tế đáng buồn là định hướng về việc minh bạch hóa tài chính, hiệu quả hoạt động nguồn vốn cũng như khả năng tăng trưởng ở quy mô lớn hơn lại chưa được đánh giá cao bởi phòng tài chính và phòng nguồn vốn của một số DN. Trong khi, nếu đạt được những điều này, DN không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng mà còn đảm bảo việc quản lý thanh khoản hiệu quả và tối đa hóa được dòng vốn lưu động của mình để phục vụ cho nhu cầu phát triển chung của DN.

Thực tế là ở nhiều công ty, bộ phận tài chính thường chỉ giới hạn hoạt động của họ trong việc quản lý tài chính hàng ngày. Càng ngày, nhiệm vụ của phòng ban này càng cần thay đổi theo hướng đưa ra các định hướng và sáng kiến để giúp công ty đạt được các mục tiêu phát triển lâu dài. Đơn cử, nếu mở rộng và tăng trưởng thị phần là mục tiêu hàng đầu, chắc chắn công ty sẽ phải làm việc nhiều hơn với các nhà cung cấp và các khách hàng. Theo cách truyền thống, để đáp ứng yêu cầu này thì DN sẽ phải tăng nhân sự, đồng nghĩa với việc tăng chi phí nhân sự và vận hành. Nhưng các DN cũng có thể tránh điều này bằng cách áp dụng các giải pháp thanh toán tự động. Đây cũng là hướng đi mà các DN nên hướng tới.

de quan ly dong tien hieu qua

Ở Việt Nam, còn rất nhiều DN không đánh giá đầy đủ vai trò của giải pháp quản lý dòng tiền và vốn lưu động. Vậy làm sao để DN quan tâm hơn đến vấn đề này?

Mục tiêu hàng đầu của tất cả các DN là tăng trưởng và lợi nhuận. Do đó, điểm mấu chốt là làm sao để các giám đốc tài chính hiểu được những lợi ích mang tính chiến lược của các giải pháp quản lý dòng tiền và chuỗi cung ứng hiệu quả đối với mục tiêu phát triển lâu dài của DN. Ví dụ, còn khá nhiều DN Việt Nam hiện nay vẫn đang dựa vào việc thanh toán theo cách truyền thống (dựa chủ yếu trên giấy) cũng như việc thống kê các biên lai và các khoản thu được thực hiện một cách thủ công, tốn thời gian, nguồn lực mà lại dễ nhầm lẫn, sai sót.

Một công ty mà tôi mới đến gặp gần đây tuyển hẳn 20 nhân sự chỉ để thực hiện thanh toán và thống kê biên lai báo thu. Tôi cũng được biết, DN này đang có chiến lược phát triển lớn hơn nữa. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu DN vẫn giữ mô hình như trên thì bộ máy sẽ phình to đến đâu?

Đây không chỉ là bài toán về chi phí mà còn về tính hiệu quả cũng như độ chính xác. Thời điểm hiện tại, bạn có thể viện cớ chi phí lao động còn khá cạnh tranh ở Việt Nam, khiến một số công ty vẫn ưu tiên hoạt động theo mô hình này. Nhưng hãy nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc để thấy, chi phí nhân sự của họ đang tăng nhanh và nó ảnh hưởng như thế nào đến khả năng cạnh tranh của DN.

Các giải pháp thanh toán tự động sẽ giúp DN quản lý chi phí hiệu quả hơn, giảm thiểu lỗi và tạo điều kiện để bạn tăng trưởng lên quy mô lớn hơn thông qua việc tập trung vào các hoạt động tạo ra doanh thu hơn là các hoạt động vận hành. Hơn nữa, các thông tin có được trên hệ thống thanh toán tự động sẽ giúp bạn dự báo và lên kế hoạch tốt hơn, nhờ đó công ty bạn có thể quản lý thanh khoản và dòng tiền tốt nhất. Bản chất của quản lý dòng tiền hiệu quả không phải là chỉ gửi tiền ở chỗ có lãi suất cao nhất mà là tổng thể của nhiều lợi ích như tôi đã kể trên.

Một ví dụ nữa mà tôi muốn chia sẻ là cùng với nhu cầu phát triển của DN, yêu cầu về vốn lưu động cũng tăng lên. Theo cách truyền thống thì DN sẽ phải vay vốn ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng của vốn lưu động. Với các công ty đa quốc gia, họ không chỉ đơn thuần dựa vào vốn vay ngân hàng mà họ còn sử dụng các giải pháp tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng. Các giải pháp này giúp họ rút ngắn kỳ hạn của các khoản thu (thu nhanh hơn) và kéo dài kỳ hạn các khoản phải trả. Làm được điều này sẽ cung cấp thêm cho bạn một nguồn vốn nữa để hỗ trợ cho kế hoạch phát triển, thay vì chỉ dựa vào một nguồn tài chính từ ngân hàng để phát triển và nhiều khi khá rủi ro, nếu như không được duyệt vay.

de quan ly dong tien hieu qua
Còn nhiều DN Việt Nam hiện nay vẫn đang dựa vào việc thanh toán theo cách truyền thống!

Ở Việt Nam, các DN cần chú ý đến những khó khăn gì nếu muốn áp dụng các giải pháp này?

Đầu tiên, cần khá nhiều thời gian cho cả DN và ngân hàng để triển khai hệ thống quản lý dòng tiền và các giải pháp tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng. Chỉ khi DN thực sự hiểu lợi ích của các giải pháp này thì họ mới cam kết đầu tư và bỏ công sức để thay đổi.

Không chỉ về mặt thời gian mà ở nhiều công ty, nơi có nhiều cổ đông có quyền quyết định áp dụng giải pháp mới hay không, việc thuyết phục để họ ủng hộ cũng là một trong những khó khăn. Đây là khó khăn mà các DN nước ngoài cũng gặp phải chứ không chỉ có DN Việt Nam. Tuy nhiên, các DN Việt còn gặp khó khăn hơn bởi một số quy định hiện hành chưa cho phép thực hiện các giải pháp này một cách đầy đủ.

Liên quan đến quản lý thanh khoản, một số tập đoàn ở Việt Nam có nhiều công ty con. Trong số đó có thể có công ty đang dư vốn lưu động trong khi công ty khác thì lại thiếu vốn. Nếu có giải pháp quản lý tài khoản tập trung sẽ cho phép chuyển nguồn vốn qua lại giữa các công ty con, qua đó giúp giải quyết được vấn đề này. Hiện nay ở Việt Nam, giải pháp này chỉ được thực hiện thông qua vay ủy thác với một ngân hàng đứng giữa mà không thể làm trực tiếp giữa các công ty con trong cùng một tập đoàn.

Nhận định của ông về xu hướng áp dụng các giải pháp trên của DN ở Việt Nam?

Ở Việt Nam, chủ yếu các công ty đa quốc gia hoạt động tại thị trường trong nước đã biết và sử dụng giải pháp này. Một số các tập đoàn, công ty trong nước có chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài cũng bắt đầu áp dụng, tuy chưa nhiều. Các ngân hàng như chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giới thiệu các giải pháp này đến DN.

Lý do các DN trong nước chưa “mặn mà” thường rơi vào việc chính sách của họ không cho phép dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Thêm nữa, chi phí nhân sự cũng còn khá cạnh tranh (thấp) ở Việt Nam, hay nhiều DN chưa biết hoặc chưa quan tâm nhiều đến các giải pháp này. Tuy nhiên nhìn về xu hướng, tôi thấy rằng các DN đang chuyển mình rất nhanh theo hướng áp dụng các giải pháp đầy tiện ích này.

Xin cảm ơn ông!

Bản chất của quản lý dòng tiền hiệu quả không phải chỉ là gửi tiền ở chỗ có lãi suất cao nhất mà là tổng thể của nhiều lợi ích.

Đỗ Lê thực hiện

Tin đọc nhiều