Dệt may, Da giày: Khổ vì nguồn gốc xuất xứ

14:59 | 02/07/2012

Các nước nhập khẩu đang tiến hành thắt chặt hơn nữa trong khâu kiểm tra, truy xét nguồn gốc xuất xứ sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam, đặc biệt tại thị trường Mỹ và EU.

Thị trường chính là Mỹ và EU truy xét nguồn gốc xuất xứ gắt gao

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2012, xuất khẩu hàng dệt may, da giày là khá khả quan. Trong đó, hàng dệt may đạt 6,8 tỷ USD (tăng 8,7% so với cùng kỳ), da giày đạt 3,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với cùng kỳ). Đây là hai lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 1 và 3 trong số 10 nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất 6 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), để duy trì được mức tăng trưởng này trong bối cảnh hiện nay là hết sức khó khăn bởi nền kinh tế tế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu hàng dệt may, da giày chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn do lượng hàng tồn kho của các nhà phân phối lớn... Chưa hết, các nước nhập khẩu đang tiến hành thắt chặt hơn nữa trong khâu kiểm tra, truy xét nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đặc biệt tại thị trường Mỹ và EU. Đây là hai thị trường quan trọng của hàng dệt may, da giày Việt Nam xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 52% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam, thị trường EU thời gian qua vẫn có mức tăng trưởng khá, khoảng 25%. Tuy nhiên, theo Vitas thời gian tới, các DN cũng như ngành này cần phải nỗ lực hơn nữa, cũng như có hành động cụ thể để nhanh chóng vượt qua những rào cản mới do nhà nhập khẩu đặt ra.


Quy định của các nhà nhập khẩu ngày một khắt khe nên các DN trong nước cũng phải nâng cao chất lượng hàng XK

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, không chỉ các cơ quan quản lý tại Mỹ và EU mới quan tâm đến vấn đề chất lượng, chất liệu và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, mà người tiêu dùng ở những quốc gia này cũng rất thận trọng khi lựa chọn sản phẩm và yêu cầu nhà sản xuất chứng minh sản phẩm không có chứa chất nguy hại. Hơn thế, người tiêu dùng còn có xu hướng không sử dụng các sản phẩm trong quá trình sản xuất tiêu hao quá nhiều tài nguyên, phát thải khí nhà kính cao gây hại và ảnh hưởng đến tính bền vững của môi trường… Cụ thể, tại thị trường Mỹ, những quy định mới đối với mặt hàng may mặc, giày dép bắt buộc phải có sự kiểm nghiệm và giấy chứng nhận của bên thứ ba (tổ chức độc lập), các nhà sản xuất phải có phân tích, báo cáo chứng minh nguồn gốc sản phẩm… các quy trình này phải thỏa mãn những tiêu chuẩn quy định trong luật pháp của quốc gia này.

Còn đối với các nước trong EU, đa phần đều áp dụng các quy định Reach (hệ thống kiểm soát hóa chất có trong các sản phẩm khi vào EU). Đặc biệt, đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng như hóa chất, thuốc nhuộm, in ấn, sản phẩm dệt may quần áo, giày dép, đồ chơi… cơ quan quản lý tại các quốc gia EU quy định, quản lý rất chặt chẽ, thông qua nhiều hệ thống kiểm duyệt, thường xuyên có sự thay đổi danh mục các chất nguy hại có trong sản phẩm và cập nhật thông tin mới trong khoảng thời gian 6 tháng/lần. Theo quy trình cập nhật này tính đến năm 2015 sẽ có tổng 2.000 hóa chất được liệt kê vào danh mục của hệ thống kiểm duyệt. Ông Lê Duy Nhơn - Giám đốc Điều hành CTCP Dệt Đông Nam cho rằng, quy định của các nhà nhập khẩu ngày một khắt khe. Muốn đưa hàng hóa vào những thị trường này, không có cách nào khác là các DN phải tự chuẩn hóa hoạt động, quy trình kỹ thuật để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo các chuyên gia, mặc dù những quy định về an toàn sản phẩm và môi trường ở các thị trường khác nhau, nhưng DN phải tìm hiểu và nắm vững quy định ở nhiều thị trường để khi xuất khẩu hàng hóa không vấp phải rào cản kỹ thuật. Đồng thời, DN cũng nên chú ý quá trình nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, vì hiện nay không chỉ các nước phát triển mà cả nhiều nước khác ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng và đưa ra nhiều quy định về an toàn sản phẩm. Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Vitas cho rằng, Hoa Kỳ và EU là hai thị trường lớn và quan trọng của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam nói chung và sản phẩm hàng dệt may, da giày nói riêng. Vì vậy, các DN Việt Nam nên cố gắng cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết, áp dụng quy trình kỹ thuật để đáp ứng các quy định về an toàn sản phẩm và môi trường mà hai thị trường này đặt ra.

Bài và ảnh Thanh Tuyết

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều