Dệt may đương đầu thách thức

18:02 | 04/04/2012

Quý I/2012, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 3,23 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2011. Nhưng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bên cạnh con số khả quan, ngành dệt may vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn phía trước do cạnh tranh thị trường xuất khẩu, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, chi phí đầu vào tăng...

Cơ hội ngang thách thức

Bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 5% lực lượng lao động cả nước, đứng thứ nhất về xuất khẩu và chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang ở TOP 10 trong số 153 quốc gia xuất khẩu dệt may trên toàn thế giới. Cả nước có trên 3.700 doanh nghiệp, với tổng số lao động trên 2,5 triệu người. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… So sánh với nhiều quốc gia đang cạnh tranh, ngành dệt may Việt Nam được đánh giá có nguồn lao động dồi dào, khéo léo. Nhiều doanh nghiệp có tổ chức tốt, có thể sản xuất các mã hàng kết cấu phức tạp với chất lượng cao. Trong quan hệ đối tác, dệt may Việt Nam luôn có quan hệ tốt với nhiều nhà nhập khẩu, bán lẻ. Trong nước, có môi trường kinh tế phát triển nhanh, xã hội ổn định. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong khu vực trung tâm cung ứng nguyên liệu dệt may, trên thế giới lại đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất dệt may tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Và hiện nay, ngành may Việt Nam cũng đã được trang bị máy móc hiện đại.

Ảnh: sưu tầm
Dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu quý I/2012 trên 1 tỷ USD. (Ảnh: St)

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì dệt may Việt Nam vẫn đang chịu nhiều thách thức từ nội tại. Trong đó, thiếu hụt lao động đặc biệt là lao động trung, cao cấp và quản lý là vấn đề lớn. Hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, trong khi tỷ trọng nội địa hóa còn thấp. Ngành dệt bị bỏ lửng, kém phát triển, năng lực thiết kế hạn chế khiến giá trị gia tăng thấp. Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam không chỉ đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… mà từ năm 2012, giá cả nguyên phụ liệu tăng nhanh, sự dao động tăng liên tục của giá xăng dầu, cước phí vận chuyển, khiến giá thành sản phẩm tăng, cộng với Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, khiến cạnh tranh quốc gia yếu. Các nước nhập khẩu lại thường xuyên đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật, các vấn đề chống bán phá giá, yêu cầu về vấn đề môi trường ngày càng khắt khe.

Tìm kiếm lợi thế

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chiến lược phát triển là xuất khẩu dệt may đạt 18 tỷ USD/năm đến 2015 và 25 tỷ USD/năm đến năm 2020. Từ năm 2012, tái cơ cấu sản xuất dệt may theo hướng dịch chuyển sản xuất may về các khu vực có nhiều lao động. Di dời các nhà máy nhuộm, hoàn tất các khu công nghiệp có xử lý nước thải. Tăng cường khuyến khích và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu. Ngành dệt may cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo các chuyên gia Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trước đây ngành dệt may Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, khi các nền kinh tế này giảm tăng trưởng, ngay lập tức ta cũng gặp khó. Hiện nay thì khác, Việt Nam ngoài là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như: Australia - New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chi Lê… Sắp tới đây là đàm phán FTA với Nga, châu Âu, Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương - TPP giữa 9 quốc gia… Nếu doanh nghiệp ngành dệt may tận dụng tốt các FTA này, thì sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng được lợi thế giảm thuế quan, rào cản kỹ thuật... Mặt khác thị trường nội địa hiện đã gần 100 triệu dân, có sức mua ngày càng tăng. Kết quả các cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, hàng dệt may tiêu thụ trên thị trường nội địa chiếm 85% là hàng trong nước sản xuất. Nhiều thương hiệu may mặc Việt Nam đã trở thành hàng cao cấp như: An Phước, Nhà Bè, Việt Tiến… Ngoài ra, về phía ngân hàng theo bà Hoàng Thị Anh Thư - Phó phòng Tổng hợp thanh toán - Hội sở chính Vietcombank, ngân hàng có nhiều dịch vụ cho vay dành cho doanh nghiệp ngành dệt may hội đủ điều kiện. Hay Công ty Chuyển phát nhanh - FedEx Việt Nam luôn có dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng (cả hàng gói nhỏ, hàng mẫu…) đến tất cả các quốc gia trên thế giới, theo thời gian yêu cầu, để tăng tính cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam.

Như vậy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thì ngành dệt may vẫn có những lợi thế nhất định có thể tận dụng, để phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2012 - 2020.

Thanh Hồng

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều