Dệt may lo khó đạt kế hoạch

14:15 | 06/04/2012

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà lưu ý về diễn biến ngoại thương trong quý I/2012: "Kim ngạch nhập khẩu giảm phản ánh sản xuất trong nước có khó khăn, bởi vì đặc thù nền kinh tế Việt Nam là nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu".

Điều ông Hà nói hàm ý khá rõ với ngành dệt may, khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào như sợi dệt, bông, vải… đang giảm sút rất mạnh.


Kim ngạch xuất khẩu dệt may liên tục tăng cao, song giá trị gia tăng rất thấp do sản xuất chủ yếu là gia công. (Ảnh: St)

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải đều giảm cả về lượng và giá trị. Đặc biệt nhập khẩu bông giảm tới 36,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng diễn biến này là hai quan ngại xuất hiện: thứ nhất là khả năng xuất khẩu các mặt hàng dệt may có thể giảm trong tương lai; thứ hai là lượng nguyên liệu đầu vào sản xuất dệt may còn tồn đọng trước đây ở mức giá cao sẽ khiến doanh nghiệp khó giảm giá để cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn này.

Lo lắng trên cũng được các bộ, ngành thừa nhận. Đại diện của Bộ Công Thương tại hội nghị giao ban sản xuất mới đây đã cảnh báo, nếu như các năm trước doanh nghiệp dệt may tại thời điểm quý I đã có đơn hàng hết cả năm thì sang năm nay chỉ một số có đơn hàng hết quý I, đơn hàng đến quý II chỉ lác đác ở một số doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may hiện nay vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm đơn hàng sản xuất, mặc dù theo định kỳ hàng năm, từ quý II trở đi bắt đầu vào mùa cao điểm của ngành dệt may.

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh tại bản báo cáo tháng 3 cũng ghi nhận, xuất khẩu dệt may đang có dấu hiệu chững lại tại thị trường châu Âu, khi nơi đây đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, doanh số bán hàng may mặc sụt giảm."Các nhà nhập khẩu yêu cầu cao nhưng đơn hàng nhỏ, công nhân chưa kịp thông thạo sản phẩm cũ thì lại phải đổi mẫu mã mới làm giảm năng suất và lợi nhuận cũng giảm theo", Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin thêm, do khó khăn về vốn, thêm vào đó, hai thị trường chính của ngành là Mỹ và EU tăng trưởng giảm sút, nên nhiều doanh nghiệp có xu hướng co cụm lại và "chú tâm" vào sản xuất gia công đơn thuần để ít phải sử dụng vốn, thay vì thực hiện nhiều đơn hàng FOB (doanh nghiệp tự mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Các doanh nghiệp cũng không dám nhập dự trữ nguyên liệu khi chưa có đơn đặt hàng mà chỉ nhập sau khi ký được hợp đồng và được cung cấp một phần nguyên liệu.

Trong quý I/2012, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 3,235 tỷ USD giá trị sản phẩm, giảm khoảng 11,4% so với quý trước đó nhưng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là gia công sản phẩm với phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngành cũng bị tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế, cụ thể là giá sản phẩm không tăng thậm chí giảm, cước vận chuyển biến động liên tục trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ năm trước với mức cao, do không tiêu thụ được hàng hóa dẫn đến tình trạng tồn kho lớn, ứ đọng vốn cho sản xuất; hoặc tiêu thụ được nhưng không có lãi đã tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhìn về phía trước, khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa có lối thoát rõ ràng. Hoạt động kinh tế tại nhiều nước là thị trường truyền thống của dệt may Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ, thu nhập người dân thấp xuống và tiêu thụ giảm sút, dẫn tới nhập khẩu giảm.

Bởi vậy, qua một phần tư chặng đường của năm 2012, tốc độ tăng trưởng kim ngạch của dệt may Việt Nam đã không đạt như kỳ vọng. So với mục tiêu 18,5 - 19 tỷ USD kế hoạch năm nay, 3 quý tới ngành dệt may phải đạt tối thiểu 5 tỷ USD mỗi quý, là mức mà ngành này chưa bao giờ đạt được từ trước đến nay. Cho nên, thị trường tại các nước mà Việt Nam mới tham gia những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang được trông chờ thể hỗ trợ xuất khẩu dệt may tăng đơn hàng, nhưng cũng sẽ khó để có thể tạo đột biến nhanh chóng.

Tường Lam

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều