Dịch vụ ngân hàng thâm nhập khối FDI

08:02 | 02/03/2016

Một số NH có vốn ngoại đang mở rộng hoạt động tín dụng, thanh toán… vào các DN FDI.

Tiết kiệm online: Xu thế của dịch vụ ngân hàng hiện đại
Cạnh tranh dịch vụ ngân hàng bán lẻ: Xu thế và thách thức

Một lãnh đạo NHTMCP có vốn Nhật Bản chia sẻ, trong 2 tháng đầu năm 2016, NH này tiếp nhận khá nhiều DN FDI đến đăng ký mở dịch vụ. Trong đó, đa số dự án đến từ nhà đầu tư Nhật như Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts tại khu công nghiệp Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh)…

Điểm đáng lưu ý là, các công ty nói trên đã đề xuất sử dụng nhiều dịch vụ do NH nội địa cung cấp như: tiền gửi ngoại tệ rút gốc từng phần, gói chương trình cho vay USD ngắn hạn…

Thực tế, các DN FDI luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp... Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng tăng trưởng rõ nét trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, đang được tạo đà rất tích cực nhờ các kỳ vọng về hội nhập và mở cửa, theo sau các cam kết FTA Việt Nam đã ký và sắp có hiệu lực… Chính vì vậy, bản thân các NHTM nhìn nhận DN FDI luôn là khu vực rất tiềm năng để cung cấp dịch vụ.

dich vu ngan hang tham nhap khoi fdi
Nhiều DN FDI đã sử dụng dịch vụ khép kín của NH lớn

Trong khi đó, việc tiếp cận các khách hàng này cũng đang có sự thay đổi. Nếu như trước đây, các NHTM trong nước đều khó có thể “chen chân” vào khối DN này thì nay một số TCTD có uy tín đã tiếp cận được nhiều DN ngoại đến Việt Nam làm ăn. Trong số đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia, có kinh nghiệm đầu tư tại nhiều nước và có nền tảng tài chính mạnh, am hiểu kinh doanh quốc tế sâu rộng cũng đã quan tâm hơn đến dịch vụ NH trong nước.

Do vậy, từ giữa năm 2015 đến nay, các NH đã nghiên cứu và cung cấp ra thị trường những dịch vụ khép kín hiện đại. Đơn cử, một lãnh đạo VietinBank cho biết đang tập trung chỉ đạo các chi nhánh và có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc xúc tiến hợp tác, tiếp thị các dịch vụ, mở rộng tín dụng… Thậm chí, NH này còn mở ra một số chương trình kết nối đầu tư.

Tương tự, Vietcombank cũng tiến hành thành lập Phòng khách hàng FDI tại Hội sở chính và các bộ phận chuyên trách phục vụ khách hàng FDI tại các chi nhánh trong hệ thống, qua đó cung cấp các sản phẩm dịch vụ NH với cơ chế giá và các điều kiện tốt nhất.

Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Vietcombank đều đặn gửi đến khách hàng FDI và đối tác Nhật Bản báo cáo kinh tế vĩ mô và báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam, cung cấp những thông tin quan trọng và cập nhật về tình hình kinh tế trong nước, tạo điểm nhấn và tăng độ nhận diện của Vietcombank trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

Đặc biệt, Vietcombank thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo dành riêng cho khách hàng FDI và có sự tham dự của các DN trong nước để hai bên tìm hiểu nhu cầu của nhau. Trên cơ sở đó, NH đưa ra những tư vấn phù hợp về môi trường kinh doanh và tài chính, thiết kế và cung cấp các giải pháp tài chính - NH dành cho cả hai phía. Theo kết quả thống kê, năm 2015 Vietcombank đã có gần 1.000 DN FDI đến mở tài khoản và thiết lập giao dịch, tăng 10% so với năm 2014.

dich vu ngan hang tham nhap khoi fdi
Sản xuất vi mạch ở khu công nghệ cao của một DN FDI tại TP.HCM

Nhìn qua các sản phẩm dịch vụ mới mà NH triển khai cho khu vực FDI hiện nay, dễ nhận thấy điểm đặc biệt là việc “mở đường”. Các NH đang thể hiện vai trò vừa là đầu mối liên hệ, vừa là cầu nối giữa khách hàng là các đối tác quốc tế với các DN nội địa trên khắp cả nước.

Cụ thể hơn, các dịch vụ mà NH cung cấp đồng hành và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của DN FDI từ giai đoạn bước đầu tìm hiểu thị trường, xây dựng pháp nhân tại Việt Nam cho đến giai đoạn đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển bằng cách mua lại cổ phần DN nội địa, hoặc tìm kiếm công ty nội địa cung ứng sản phẩm…

Để thúc đẩy hoạt động vào các DN FDI, phía VietinBank chia sẻ ban lãnh đạo, các phòng/ban tại trụ sở chính thường xuyên gặp gỡ trực tiếp đối tác FDI để tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính với các tập đoàn đa quốc gia tại nước bản địa, kết nối hoạt động kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tương tự, bên cạnh việc tổ chức hội nghị khách hàng FDI, một phó tổng giám đốc Sacombank cho biết đang hợp tác với các cơ quan xúc tiến đầu tư như Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… để có những bước tiến gần hơn, sâu hơn đối với nhu cầu tài chính, nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ NH ngay từ những ngày đầu của các công ty nước ngoài khi đặt chân vào nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, các NH thiết kế gói dịch vụ linh hoạt để cung cấp cho thị trường, nộp thuế điện tử, quản lý dòng tiền…

Ngoài các sản phẩm mang tính truyền thống, nhìn chung các NHTM hiện đang tập trung triển khai tích cực các chương trình dịch vụ liên kết giữa DN FDI với công ty trong nước. Trong đó, có rất nhiều chương trình như dịch vụ cung cấp tín dụng trả góp cho khách hàng mua hàng hoá, liên kết phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ cho các khách hàng cá nhân được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ của NH và DN FDI, dịch vụ tư vấn quy định quản lý nhà nước…

Có thể nói, khi những NHTM có vốn FDI thâm nhập được vào khu vực DN ngoại là một bước tiến hai mục tiêu. Những NH này đã thu hút được đối tác ngoại sở hữu cổ phần để tạo tiền đề nâng cao trình độ quản trị, công nghệ, tiếp thị… Đồng thời, chính những đối tác ngoại đầu tư vào NH Việt lại tiếp cận những DN đất nước họ đến Việt Nam làm ăn để đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ tại NH họ đang sở hữu cổ phần.

Quỳnh Chi

Tin đọc nhiều