Tiêu chí đánh giá, xếp hạng điểm tín dụng
Điểm tín dụng là chỉ số mà thông qua đó các ngân hàng, công ty tài chính có thể đánh giá được uy tín của người vay. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để các tổ chức tín dụng quyết định có xét duyệt khoản vay hay không. Theo đó, lịch sử đi vay của khách hàng sẽ được Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) ghi nhận và cập nhật trong vòng 3-5 năm. Các ngân hàng, công ty tài chính trước khi cho vay sẽ tìm hiểu thông tin tín dụng của khách hàng trên hệ thống này thông qua việc phân tích các dữ liệu có trong hồ sơ tín dụng, từ đó đánh giá uy tín, mức độ tín nhiệm của khách hàng để xếp hạng điểm tín dụng.
Việc căn cứ vào điểm tín dụng sẽ giúp các ngân hàng, các công ty tài chính xác định những khách hàng có đủ điều kiện để vay, mức lãi suất và hạn mức tín dụng. Nếu khách hàng có lịch sử trả nợ vay tốt sẽ dễ dàng được cho vay. Ngược lại, nếu thường xuyên trễ hạn thì việc xét duyệt khoản vay cũng sẽ khó khăn hơn.
Thời gian gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ngày càng phát triển cùng với đó vai trò của điểm tín dụng lại càng quan trọng hơn, nhất là trong xếp hạng điểm tín dụng. Hoạt động xếp hạng thông qua điểm tín dụng là phương pháp hữu hiệu, giúp các công ty tài chính hạn chế được các rủi ro khi cho vay.
Tại FE CREDIT, cho vay tiêu dùng ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía khách hàng khi dư nợ cho vay tăng mạnh trong những năm gần đây. Quy trình thực hiện một hồ sơ vay tiêu dùng từ bước tiếp nhận yêu cầu vay đến bước giải ngân vốn vay cần phải trải qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt của công ty. Rất nhiều khách hàng vay tín chấp đã bị đánh cảnh báo nợ xấu vì nhiều lý do, chẳng hạn như trả nợ không đúng thời hạn quy định, nên khi kiểm tra CIC, khách hàng bị liệt vào nhóm nợ không đủ tiêu chuẩn và khoản vay đa phần sẽ không được duyệt.
Làm thế nào để tránh điểm tín dụng xấu?
Theo FE CREDIT, để tránh rơi vào nhóm tín dụng xấu, khách hàng nên tìm hiểu số tiền cần trả mỗi tháng, đánh giá lại nhu cầu của mình cũng như mức thu nhập hiện tại, đảm bảo chi phí trả nợ không quá 50% thu nhập mỗi tháng để duy trì được việc trả nợ khi không may nguồn thu nhập chính bị gián đoạn hay cắt giảm. Đặc biệt, khách hàng cần theo dõi sát sao lịch trả nợ để có kế hoạch trả đúng ngày ấn định trong hợp đồng và không phải chịu nợ xấu hay bị phạt do quá hạn.
Cụ thể, để nâng cao điểm tín dụng, điều đầu tiên mà khách hàng cần lưu ý là không nên để bản thân rơi vào tình trạng nợ xấu. Hãy kiểm tra lại toàn bộ các khoản vay hiện tại, cố gắng thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ và khoản phạt (nếu có). Lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được CIC lưu trữ, quản lý và đánh giá lại sau 3 đến 5 năm một lần. Nếu khách hàng mắc phải điểm tín dụng xấu thì nên cố gắng cải thiện trong thời gian này.
Đồng thời, khách hàng không nên mở nhiều thẻ tín dụng khi chưa có kế hoạch sử dụng và quản lý phù hợp với năng lực tài chính của cá nhân. Bởi khi sở hữu nhiều thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc các khoản nợ có thể sẽ ngày càng tăng cao vì có càng nhiều cơ hội thì sẽ dùng càng nhiều, từ đó cũng dẫn đến khả năng thanh toán nợ sẽ bị giảm đi đặc biệt là trong trường hợp chỉ có 1 nguồn thu nhập hoặc 1 tài sản đảm bảo.
Khi có ý định vay mới, khách hàng nên tính toán, xem xét kỹ lưỡng về khả năng tài chính của cá nhân hoặc gia đình sao cho phù hợp, vừa đủ chi phí để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, vừa đảm bảo khả năng trả nợ, tránh để khoản vay ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Bên cạnh đó, khách hàng cần tạo thói quen sử dụng tín dụng tốt. Chỉ nên chi tiêu vừa đủ trong khả năng tài chính cho phép của bản thân, trả nợ đầy đủ và đúng hạn chứ không chỉ trả phần hạn mức tối thiểu, đồng thời cũng phải xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cho hợp lý.
Điểm tín dụng là một trong những thang điểm vô cùng quan trọng đối với tổ chức cho vay và người đi vay. Vì vậy, để các khoản vay được chấp nhận trong những trường hợp cấp bách, cần thiết nhất, khách hàng cần phải lưu ý tới việc giữ cho số điểm tín dụng của mình cao nhất có thể.
PV