Định vị lại ATM

14:00 | 31/10/2019

Có khoảng hơn 70 triệu thẻ thanh toán nội địa công nghệ từ đang lưu hành sẽ hoàn toàn “biến mất” vào năm 2021 khi các ngân hàng bắt đầu chuyển sang phát hành thẻ chip. Đây không chỉ là cơ hội “thanh lọc” thị trường khi thẻ “rác” đang phổ biến, mà còn là cơ hội để thẻ “ATM” được trả lại tên “thẻ thanh toán” với chức năng cơ bản là thanh toán các dịch vụ trong nước.

Gửi tiết kiệm qua thẻ ATM
Hiện đại, đừng… hại điện
Chip hóa thẻ ATM: Khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi
dinh vi lai atm
Có quá nhiều phương thức thanh toán tiện lợi để khách hàng lựa chọn

Hồi giữa năm nay, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng đầu tiên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng. Không chỉ đảm bảo tính năng an toàn, bảo mật cao hơn mà thẻ chip nội địa có thể tích hợp ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công...

Theo đại diện NAPAS, thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế EMV, giúp hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã khẳng định: việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip.

Trên thực tế, những công nghệ được giới thiệu cũng không có gì mới mẻ, bởi đã được các ngân hàng Việt cũng giới thiệu từ lâu với các dòng thẻ tín dụng gắn tên của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Mastercard hay JCB. Dù vậy, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định rằng đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành thẻ Việt Nam, khi thẻ quốc tế và thẻ nội địa đã không còn nhiều khác biệt.

Nhìn từ góc độ này, việc chuyển công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip cũng đồng thời là cơ hội để thị trường “thanh lọc” lại tình trạng thẻ “rác” diễn ra trong nhiều năm nay tại Việt Nam. Thẻ “rác”, hay còn gọi là thẻ không kích hoạt hoặc thẻ không sử dụng, từ lâu đã trở thành vấn nạn trên thị trường khi nhiều nhân viên ngân hàng chạy đua mở thẻ để lấy chỉ tiêu. Con số thống kê của Hiệp hội Ngân hàng vào năm ngoái cho thấy các loại thẻ “rác” chiếm đến 41,7% trong tổng số 132 triệu thẻ ngân hàng.

“Việc chuyển đổi loại thẻ cũng là cơ hội để các ngân hàng nhìn nhận lại về việc sử dụng thẻ thực tế của khách hàng, để có những cơ chế và chương trình phù hợp để kích thích khách hàng giao dịch nhiều hơn”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết. Tương tự, tổng giám đốc một ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cũng nhận định rằng, việc khách hàng chuyển đổi sang thẻ mới cũng là một cách lọc thị trường. Theo đó, các chủ thẻ có nhu cầu giao dịch thật sự sẽ tự nguyện thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Hiện nay, lộ trình mà NHNN đặt ra là đến cuối năm 2019, các NHTM sẽ phải chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng máy POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Đến cuối năm 2020, toàn bộ thiết bị tại điểm giao dịch phải đạt tiêu chuẩn và đến cuối năm 2021 thì toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành sẽ phải “biến mất”.

Theo đại diện NAPAS, hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM. Trong đó, phần lớn máy POS đã tuân theo tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.

Tuy nhiên, ở góc độ các ngân hàng, đại diện nhiều nhà băng cho biết sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là các ngân hàng có số lượng thẻ nội địa đang lưu hành lớn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng khác cũng đồng tình rằng việc chuyển đổi thẻ chip sẽ tốn kém đáng kể, từ chi phí phôi thẻ chip (cao gấp 5 lần so với phôi thẻ từ), hay chi phí nâng cấp hệ thống cho việc phát hành và chấp nhận thẻ nội địa. “Để đảm bảo theo tiến độ chuyển đổi, ngân hàng cần đầu tư rất lớn về hệ thống, chi phí và nguồn lực”, một đại diện ngân hàng chia sẻ.

Mặc dù có khá nhiều “than vãn” nhưng trên thực tế thì không nhà băng nào bỏ qua cuộc đua này, bởi hầu hết đều cho rằng tuy tốn kém chi phí nhưng sản phẩm mới sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng trong thanh toán cho khách hàng. Theo ông Chu Hồng Ngọc - Giám đốc Khối Vận hành VPBank cho biết, ngân hàng sẽ đi sát theo lộ trình mà cơ quan quản lý đặt ra. Hiện VPBank có 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp trong tổng số hơn 3,8 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ đã phát hành.

Bên cạnh kỳ vọng vào sự loại bỏ các thẻ “rác”, thẻ thanh toán nội địa còn được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi thành xã hội không tiền mặt mà cơ quan quản lý đang muốn hướng đến, khi được tích hợp thêm nhiều ứng dụng thanh toán khác nhau.

Theo đại diện NAPAS, thẻ thanh toán nội địa lần này cho phép người dùng quẹt thẻ (hoặc “chạm” thẻ với công nghệ không tiếp xúc) mà không cần xác nhận lại mã PIN hay ký tên như thẻ tín dụng với các khoản thanh toán có giá trị nhỏ (tùy từng ngân hàng thiết lập ngưỡng thanh toán).

Chưa hết, trong tương lai, thẻ thanh toán nội địa sẽ là nền tảng quan trọng để tích hợp các dịch vụ thanh toán không tiền mặt khác như dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm và các dịch vụ công. Thậm chí có thể hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để phát hành thẻ chip đa năng dùng cả trong và ngoài nước. Đây được xem là những giá trị mới mẻ được cộng thêm cho các thẻ thanh toán nội địa, giúp người dân có thêm sự lựa chọn mới trong khâu thanh toán sản phẩm và dịch vụ.

Từ trước đến nay, có thể thấy thẻ thanh toán nội địa gần như “tàng hình” trước sự bùng nổ của các loại hình tiện dụng khác như thẻ tín dụng, hay các công nghệ mới trên thiết bị di động phổ biến gần đây như ví điện tử hay QR Code. “Tỷ lệ tăng trưởng doanh số giao dịch thanh toán của thẻ nội địa trong 3 năm trở lại đây có phần chậm lại do sự phát triển mạnh mẽ từ thẻ quốc tế và một số ứng dụng tài chính”, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Sacombank nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sacombank, các loại hình thanh toán này không cạnh tranh với nhau mà còn có tác dụng tương hỗ, bởi doanh số thanh toán không hề suy giảm, ngược lại còn tăng tốt hơn vì sự tiện lợi và đa dạng trong khâu thanh toán.

“Với công nghệ chip dual (bao gồm tiếp xúc và không tiếp xúc) lần này, thẻ nội địa đã tiến lên một bước phát triển mới. Số lượng và doanh số thẻ nội địa trong thời gian tới sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ”, ông Tâm kỳ vọng…

Ng. Dũng

Tin đọc nhiều