DN cao su không... muốn chế biến

15:59 | 26/03/2012

Hàng trăm ngàn tấn cao su thô tiếp tục bị chảy qua biên giới trong 2 tháng đầu năm 2012. Nguyên do chính sách thuế đang khuyến khích doanh nghiệp cao su xuất khẩu thô thay vì chế biến sâu hoặc bán nguyên liệu trong nước.

Trung Quốc hiện là thị trường số một mua cao su thô của Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, tiếp đến là Malaysia, Đài Loan. Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 158 nghìn tấn cao su, đạt trên 443triệu USD, trong đó lượng cao su bán vào Trung Quốc đến trên 88 ngàn tấn. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cao su phần lớn của Nhà nước nhưng đến nay vẫn dừng lại ở việc trồngrừng, cạo mủ, mặc dù có công ty cao su gắn hàng chữ "công nghiệp cao su" nhưng lại chủ yếu đầu tư hạ tầng KCN. 89% sản lượng mủ cao su làm ra bị bán thô ra nước ngoài, số còn lại phần lớn chế biến săm lốp, nệm một số sản phẩm như cao su y tế… còn quá xa mới trở thành ngành công nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam xuất khẩu cao su đứng thứ 4 thế giới, nhưng do bán thô nên không làm chủ được giá và giá trị gia tăng cũng rất thấp. Trong khi đó doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cao su hiện đang phải nhập nguyên liệu từ Thái Lan. Lãnh đạo một công ty cao su ở tỉnh Bình Phước cho biết, xuất khẩu chiếm90% lượng cao su của công ty.


Lượng mủ cao su chủ yếu được xuất hô cho nước ngoài. (Ảnh: st)

Lý giải về nghịch lý này, lãnh đạo một số công ty cao su cho biết, muốn chế biến sâu phải đầu tư máy móc công nghệ, đặc biệt phải làm thị trường, bán hàng cho ai, ở đâu. Còn nếu bán cao su nguyên liệu ở trong nước hiện phải chịu thuế giá trị gia tăng - VAT 5%, trong khi xuất khẩu mủ cao su tự nhiên chỉ phải chịu thuế 3%. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp chọn giải pháp “dễ” cho mình nhất là xuất khẩu cao su thô.

Chưa hết, công ty trong nước sẵn sàng chịu thuế suất 5% nhập khẩu cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên về sản xuất lốp xe, nệm… thay vì mua cao su thiên nhiên trồng tiểu điền do có nhiều tạp chất.

Theo Hiệp hội Cao su - nhựa, cả nước có khoảng 220 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su, hàng năm tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn nguyên liệu cao su các loại. Thế nhưng, bản thân những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa sử dụng từ cao su chưa thể mua được nguyên liệu từ người nông dân. Một phần cũng do hiện các doanh nghiệp chế biến và công ty kinh doanh mủ cao su  hiện liên kết gần như không có gì. Trong khi gần đây nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước về tiềm lực tài chính. Đã có thời điểm giá thế giới biến động những doanh nghiệp ngành nhựa ở phía Nam phải thu mua cao su thiên nhiên nhỏ lẻ trong dân để đáp ứng dây chuyền công suất lớn.

Trong quy hoạch ngành cao su đến năm 2020 dự kiến sản lượng lên 1,2 triệu tấn mủ, theo hướng tăng sản phẩm cao su công nghiệp hạn chế xuất thô. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam những doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su nên ký hợp đồng dài hạn với công ty có nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu đầu vào. Từ đó sẽ ổn định nguồn nguyên liệu và hạn chế tình trạng tranh mua tranh bán cao su thiên nhiên mỗi khi giá thế giới trồi sụt, từ đó các doanh nghiệp sẽ tự nâng giá trị gia tăng cho cao su Việt Nam. Theo các chuyên gia của Viện Hóa học vật liệu Việt Nam, nếu bán cao su sơ chế thu được một đồng, đầu tư chếbiến thành săm lốp lợi nhuận gấp 10 lần và chế biến sâu ra cao su kỹ thuật lợi nhuận sẽ gấp 20 lần. Từ đó, còn giảm nhập  siêu đối với những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được, đặc biệt trước mắt các doanh nghiệp chế biến không phải nhập cao su nguyên liệu về sản xuất. Tuy nhiên để  làm được điều này, theo bà Trần Thị Thúy Hoa - Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cần có một loạt các giải pháp đồng bộ từ sản xuất, đến thị trường và giá thành.

Phạm Hà Nguyên

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều