DN giao dịch điện tử, đừng đòi DN chứng từ giấy

15:41 | 06/09/2017

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 27/2007/NĐ-CP đã loại bỏ hẳn việc yêu cầu DN xuất trình chứng từ giấy khi DN đã thực hiện giao dịch điện tử.

Cá nhân giao dịch điện tử với cơ quan tài chính không bắt buộc phải sử dụng chữ ký số
Thí điểm giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH

Nếu tuân thủ đúng các quy định của Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính thì giao dịch điện tử sẽ không phát triển được. Nghị định chưa cụ thể và chưa sát với thực tế nên sau 10 năm Nghị định này vẫn gây lúng túng khi áp dụng.

Bất cập của Nghị định này thể hiện ở việc chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử theo hướng mô phỏng áp dụng đối với phương thức giấy tờ truyền thống, không phù hợp với phương thức xử lý của giao dịch điện tử, làm phức tạp hóa việc ứng dụng giao dịch điện tử, không khả thi áp dụng rộng trong thực tế hiện nay. Trong nhiều công đoạn thực hiện giao dịch điện tử đòi hỏi phải chuyển đổi hồ sơ, văn bản giấy sang dạng điện tử.

dn giao dich dien tu dung doi dn chung tu giay
Cán bộ bộ phận “Hỗ trợ đối tượng nộp thuế” cơ quan thuế hướng dẫn thực hiện nộp thuế điện tử.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu với người dân, doanh nghiệp, giúp giảm thời gian chi phí thực hiện thủ tục hành chính; còn với cơ quan quản lý sẽ làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước, bớt phiền hà nhũng nhiễu khi giảm tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với công chức trong làm thủ tục.

Hiện nay có hơn 97% doanh nghiệp sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan nhưng các cơ quan khác vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ chứng minh đã thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy. Vậy là DN đã làm thủ tục điện tử vẫn phải in, sao kê chứng từ…

Mặt khác, Nghị định 156/2016/NĐ-CP đã hủy bỏ quy định dịch vụ giá trị gia tăng trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính là kinh doanh có điều kiện, để phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014, tuy nhiên chưa có quy định thay thế đối với loại hình dịch vụ này trong khi thực tế rất cần có loại hình dịch vụ tương tự để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ đảm bảo, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan tài chính.

Một bản dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 27 đã được tham vấn ý kiến, và ông Đậu Anh Tuấn hy vọng nghị định sửa đổi này sẽ “có tư duy thay đổi và sẽ tác động lớn”.

Dự thảo đã loại bỏ hẳn việc yêu cầu DN xuất trình chứng từ giấy khi DN đã thực hiện giao dịch điện tử. “Đây là bước tiến mới”, theo ông Đinh Công Hiệp, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội. Nhưng ông cũng nghi ngờ thay đổi được thực tế là điều không dễ, nếu các cơ quan vẫn cứ đòi chứng từ bản in thì sao?

Theo dự thảo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra chứng từ tài chính, có trách nhiệm: phối hợp với cơ quan tài chính trong việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; không yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất trình bằng chứng đã thực hiện giao dịch điện tử bằng hình thức giấy trong trường hợp đã được cung cấp phương tiện kiểm tra bằng phương thức điện tử…

Cũng giống ý ông Hiệp, bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng, nếu ngoài các Bộ mà dự thảo nêu trách nhiệm trên, nếu cơ quan khác yêu cầu cung cấp chứng từ giấy thì sao? Bà đề nghị không nên sử dụng chứng từ giấy nữa.

Đã vậy pháp luật về giao dịch điện tử chưa đồng bộ. Ngay như khi công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, DN phải gửi báo cáo tài chính đóng dấu đỏ và chữ ký trên giấy.

Dự thảo cũng có quy định khi cần thiết, chứng từ giấy có thể chuyển sang chứng từ điện tử theo các phương thức: chứng từ giấy được chuyển thành điện tử dưới dạng hình ảnh nguyên trạng (quét thành tệp ảnh hoặc PDF); chứng từ giấy được nhận diện và chuyển đổi thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin (sử dụng mã vạch hoặc phần mềm nhận diện ngôn ngữ, hình ảnh). Với nội dung này, ông Hiệp cho rằng như vậy ảnh hưởng của tư duy giấy là không dễ bỏ… Tại sao không yêu cầu chứng từ bằng bản mềm và gắn chữ ký số vào?

Chưa thỏa mãn với dự thảo vì phạm vi áp dụng như dự thảo không thấy có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong khi một số lĩnh vực này cũng đã áp dụng giao dịch điện tử, bà Hà Tường Vy, Trưởng Ban Quản lý hành nghề kế toán cho biết, có những doanh nghiệp phải chứa cả kho tài liệu giấy không tiêu hủy được thì nay nếu chuyển sang chứng từ điện tử thì cũng cần phải có quy định.

Đề cập thêm về những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải, bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành thuế đã có các quy định biểu mẫu kê khai, thủ tục về thuế, chứng từ… đã được thực hiện giao dịch điện tử nhưng có một số thủ tục khác liên quan đến thuế vẫn có yêu cầu về giấy tờ giấy khác mà không phải của ngành. Ví dụ như một số thủ tục hoàn thuế, miễn thuế vẫn yêu cầu giấy tờ như: giấy phép thành lập doanh nghiệp, chứng minh nhân dân… khiến người làm thủ tục gặp khó khăn khi thực hiện giao dịch điện tử.

“Chúng ta có quy định về công chứng xác thực thì nay có nên đặt vấn đề công chứng điện tử hay không?”, bà Mai hỏi.

Quang Linh

Tin đọc nhiều