DN "yếu" thì giá xăng lại tăng

16:59 | 25/04/2012

Trong khi các chuyên gia kinh tế đang tỏ ra khá lo lắng về tình trạng "chết yểu" cũng như khả năng phục hồi còn kém của các doanh nghiệp (DN), thì việc tăng giá xăng liên tiếp 2 lần trong vòng hơn 1 tháng được coi như hành động "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng phục hồi đang le lói của các DN.

Điệp khúc giá xăng

Chưa kịp vui mừng vì thông tin hạ lãi suất nhiều DN, đặc biệt là các DN hoạt động sản xuất kinh doanh có chi phí đầu vào chịu sự chi phối nhiều từ giá xăng dầu cho biết, lại phải nhanh chóng lên kế hoạch "ứng phó" với việc tăng giá xăng dầu.

Ảnh: BĐT
Tăng giá xăng dầu sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: BĐT)

Việc tăng giá xăng dầu lần này theo đánh giá của nhiều DN là khá bất ngờ, vì vào thời điểm hiện tại giá xăng dầu trên thế giới không có nhiều biến động, thậm chí giá xăng bán lẻ ở một số nước như Mỹ, Philippines, Trung Quốc… còn giảm. Ngoài ra, DN đang kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như chủ trương kiềm chế lạm phát, hạn chế tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, để tránh tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân. Song thực tế, việc tăng giá xăng dầu lại đang là vấn đề hiện hữu và là thách thức khiến nhiều DN buộc phải tự tìm cách tháo gỡ trong điều kiện sức khỏe của phần lớn các DN đang khá yếu hiện nay.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, mặc dù mức tăng giá xăng dầu lần này không mạnh như đợt trước. Tuy nhiên, cộng với lần tăng giá xăng trước, cũng như quy định từ 1/6 bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ thì việc tăng giá cước là khó có thể tránh khỏi.

Ông Đinh Quang Hiền - Tổng giám đốc CTCP Vận chuyển Saigontourist cho biết, trong tình hình khó khăn chung, DN ngành vận tải đã đưa ra nhiều phương án nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, song giá xăng dầu chiếm một phần lớn trong chi phí đầu vào, vì vậy, sắp tới DN vẫn phải xem xét đến việc tăng giá dù vẫn biết việc làm này trong bối cảnh hiện tại sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của DN. Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo một số DN có chung ngành nghề kinh doanh cho biết, DN vận tải đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. "Trăm dâu đổ đầu tằm" các loại phí, chi phí đầu vào, chi phí nhân công tăng… đặt DN trước bài toán nếu không tăng giá thì thua lỗ mà tăng giá thì cũng chẳng khác tự tay bóp nghẹt thị phần của mình.

Một DN có cơ sở sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định các DN tại Việt Nam đang phải "gồng mình" khi phải gánh nhiều loại phí, trong khi giá các loại nguyên vật liệu, xăng dầu thường cao hơn so với một số nước trong khu vực. Việc này không chỉ khiến các DN mất dần thị phần, sức cạnh tranh mà tương lai nhiều đơn hàng buộc phải dịch chuyển sang khu vực khác cũng là một vấn đề cần tính đến khi lợi thế cạnh tranh đang dần mất.

Không phải nước lên thuyền lên

Nếu như trước đây người dân thường có tâm lý lo ngại khi giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra hiện tượng "té nước theo mưa", nhưng thực tế từ lần tăng giá xăng trước, đa phần các DN đều cho biết, chẳng dại gì té nước vì sức cầu của người dân hiện nay đang rất hạn chế. Nếu tăng giá quá cao thì DN sẽ tự chuốc lấy thất bại cũng như nhường sân cho các đối thủ cạnh tranh vì người dân sẽ càng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, đa phần DN đều cho rằng, lựa chọn khôn ngoan lúc này là cố gắng cầm cự để giữ được khách hàng, thị phần. Điều này đúng với phân tích của một chuyên gia, trong điều kiện bình thường khi nước lên thì thuyền lên, nhưng tình hình hiện tại khó cho phép các DN làm điều này, bởi nếu cứ thấy giá xăng tăng là tính đến việc tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ đổ vào đầu người dân thì lúc đó sẽ dễ dẫn đến việc người dân, khách hàng, đối tác của DN đi lựa chọn nhà cung cấp khác hoặc từ chối sử dụng hàng hóa, dịch vụ để tiết kiệm hầu bao. Như vậy, các DN đã khó sẽ lại càng khó hơn.

Thông thường sau khi giá xăng tăng, không phải ngay lập tức có sự điều chỉnh tăng giá theo của một số hàng hóa, dịch vụ mà vẫn có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề cá biệt, khó khăn đã hiện rõ ngay tại thời điểm tăng giá. Điển hình như đối với nhiều bà con ngư dân sống bằng nghề đánh bắt xa bờ thì xăng dầu chiếm trên dưới 80% chi phí trong mỗi chuyến ra khơi. Như vậy, việc lỗ lãi, hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố này cũng như vận may mà biển cả đem lại. Nếu như với một tàu cá công suất trung bình 500 tuabin, tiêu tốn khoảng 30.000 lít dầu/tháng, thì với mức tăng 500 đồng/lít dầu đã đủ làm đội chi phí của ngư dân lên 15 triệu/tháng. Và với những ngư dân này thì không thể áp dụng theo phương châm nước lên thì thuyền lên mà là… giá xăng lên thì thuyền nằm bờ.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh:
Xăng dầu, điện nước... là những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Không riêng gì ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác khi giá xăng dầu tăng cao thì không chỉ các DN sản xuất khốn đốn mà đời sống người dân cũng khó khăn hơn do chi phí sản xuất tăng, thu nhập thực tế bị ảnh hưởng... Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây không phải việc giá xăng dầu trong nước lên xuống như thế nào bởi nó chịu sự tác động của giá xăng dầu thế giới; mà vấn đề đáng bàn đến ở đây chính là sự minh bạch trong cách tính giá xăng dầu cũng như sự điều phối của Nhà nước, cơ quan quản lý. Để làm sao có thể lấy được niềm tin cũng như sự ủng hộ của người dân trước khi đưa ra một chính sách hay sự thay đổi có liên quan trực tiếp đến đời sống, kinh tế - xã hội.
Giá xăng dầu tăng cũng đồng nghĩa với việc trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ đình lạm bởi một mặt nó tác động làm tăng chỉ số CPI song mặt khác lại khiến cho sản xuất, kinh doanh có khả năng bị đình trệ.

Thanh Tuyết

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều