DN Thái tăng cường đầu tư vào Việt Nam

00:00 | 07/12/1999

Thực tế, nhiều năm qua DN Thái nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam và đã có những dấu ấn tại thị trường này. 

Thái Lan mở rộng đầu tư thành phố thông minh ở Việt Nam
Thị trường bán lẻ: Phải có chiến lược để cạnh tranh

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các DN Thái vẫn tiếp tục. Điển hình là việc ThaiBev, thông qua Vietnam Beverage, đã mua lại hơn 53% cổ phần của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá 4,8 tỷ USD vào cuối tháng 12 vừa qua. Thaibev là công ty hàng đầu của tập đoàn TCC Holdings thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

dn thai tang cuong dau tu vao viet nam
DN Thái nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam và đã có những dấu ấn tại thị trường này

Sau thương vụ này, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tiếp tục đổ tiền thâu tóm các DN Việt trong những lĩnh vực hot, và mới đây nhất là Vinamilk. Theo đó, thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments, TTC Holdings đầu tư vào Vinamilk trong thời gian dài qua việc mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tập đoàn Berli Jucker (BJC), đơn vị của TCC Holdings cũng mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức)…

Cách đây 2 năm, một tên tuổi lớn khác của Thái là Tập đoàn Central Group đã bỏ ra tới 1,1 tỷ USD để mua lại hệ thống Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino - Pháp với tham vọng chiếm lĩnh kênh phân phối bán lẻ tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Tập Đoàn Central Group Việt Nam (CGV), CGV đã ký kết các hợp tác chiến lược với CTCP Thương mại Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị vùng nông thôn phía bắc - LanChi, Hệ thống siêu thị. Hiện tại, CGV đang hoạt động ở Việt Nam với trên 230 trung tâm mang thương hiệu Big C, Nguyễn Kim, LanChi Mart và hệ thống cửa hàng trên toàn quốc như cửa hàng thời trang Delala, cửa hàng thể thao Supersports, văn phòng phẩm B2S, hàng gia dụng LookKool và 2 kênh bán lẻ trực tuyến trung tâm mua sắm và thời trang Robins. Ngoài ngành hàng tiêu dùng, từ nhiều năm qua, các DN Thái Lan đã dần hiện diện về sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, thức ăn chăn nuôi như CP, SCG...

Theo nhận định của các chuyên gia, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 là điểm mấu chốt để các nhà đầu tư Thái Lan đặt chân vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, với dân số lên tới hơn 90 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và mức sống ngày càng được nâng cao, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng đầy hấp dẫn với các DN Thái. Đó chính là lý do để các thương hiệu Thái không ngừng mở rộng địa bàn kinh doanh của mình trên thị trường Việt.

Điểm thuận lợi cho nhà đầu tư Thái là vị trí địa lý gần, nét tương đồng văn hóa cũng như xu hướng ưa chuộng hàng “Made in ThaiLan” của người tiêu dùng Việt. Song, cũng không thể phù nhận hàng Thái Lan có chất lượng khá đồng đều, mẫu mã, chủng loại đa dạng, giá cả lại không quá đắt nên không khó khăn khi chinh phục người tiêu dùng Việt.

Trong một thời gian dài, các cửa hàng kinh doanh tiện lợi sản phẩm Thái phát triển mạnh tại TP.HCM. Tiếp đó, các DN Thái kiên trì tiếp cận người tiêu dùng Việt qua các hội chợ chuyên ngành về hàng tiêu dùng, tổ chức định kỳ nhiều lần trong năm và diễn ra suốt nhiều năm liền.

Số liệu thống kê Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính hết 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Thái Lan vào tiêu thụ ở thị trường trong nước đạt gần 3,4 tỷ USD, tăng 16,4 so với cùng kỳ năm 2017. Ngược lại, Việt Nam chỉ xuất được 1,7 tỷ USD vào thị trường Thái.

Trong năm qua, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nội khối ASEAN với tổng giá trị kim ngạch song phương 15,11 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Cụ thể, Việt Nam xuất được 4,6 tỷ USD và nhập ngược lại 10,4 tỷ USD.

Hiện tại, các DN Việt cũng nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm thương hiệu Việt sang thị trường Thái. Nhiều mặt hàng đặc trưng của Việt Nam cũng đã thâm nhập vào các kênh bán lẻ hiện đại tại quốc gia này. Bên cạnh thúc đẩy thương mại, DN Thái hiện đang thực hiện đầu tư bền vững vào thị trường Việt Nam bằng các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy, kho xưởng sản xuất, kinh doanh.

Đến thời điểm hiện tại, Thái Lan đứng vị trí thứ 10 trong danh sách các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 492 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký là 9,48 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2018, Thái Lan cũng nằm vị trí thứ 9 và nằm trong nhóm các nhà đầu tư FDI đăng ký vốn đầu tư nhiều thứ 4 vào thị trường Việt Nam, với 204 triệu USD, trong đó cấp mới là 161 triệu USD.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, sự cạnh tranh của các DN và hàng Thái trên sân nhà một cách có quy mô là điều đáng lo ngại đối với DN Việt do hàng hóa của hai nước khá tương đồng nhau, thậm chí một số sản phẩm hàng Thái có phần nhỉnh hơn về chất lượng, mẫu mã phong phú, trong khi giá cả không đắt hơn nhiều. Đặc biệt đối với mặt hàng nông sản trái cây, Thái Lan có thể coi là “đối thủ nặng ký” của Việt Nam trên thị trường quốc tế và ngay tại thị trường nội địa.

Thực tế, nhiều năm qua DN Thái nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam và đã có những dấu ấn tại thị trường này. Nhiều tên tuổi lớn của Thái đã tiến hành các thương vụ M&A với DN Việt, dẫn đến không ít lo ngại thương hiệu Việt sẽ dần mất đi vào tay người Thái.

“Thời gian tới DN Thái Lan sẽ vẫn còn tiếp tục tìm kiếm và “nhảy” vào ngay khi có cơ hội đầu tư ở các ngành nghề, lĩnh vực tại thị trường Việt. Vì vậy, các DN trong nước cần chuẩn bị tốt cả về nguồn lực và phương án để sẵn sàng cho “cuộc chiến” giành thị phần nội địa ngày càng khốc liệt” - các chuyên gia về thị trường đưa ra khuyến cáo.

Phương Nam

Tin đọc nhiều