DNNN đổi mãi… vẫn cũ

13:12 | 29/06/2012

Những lý do về gánh nặng nhiệm vụ xã hội do Nhà nước giao cho DNNN cũng chỉ là sự biện hộ, nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh – cùng một nhiệm vụ do Nhà nước đặt ra với nguồn lực xác định, nếu đem đấu thầu bình đẳng giữa các loại hình DN thuộc mọi thành phần kinh tế… chắc gì DNNN đã thực hiện tốt hơn!

Người có công và kẻ tội đồ

Nhìn lại gần 30 năm đã trôi qua, kể từ khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, vấn đề đặt ra đối với khu vực kinh tế Nhà nước và DNNN đến nay vẫn còn đó, vẫn như Đại hội VI, VII… đã nêu, đó là hiệu quả thấp, làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng… gây nhức nhối dư luận xã hội mặc dù không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế.

Nếu phân tích kỹ, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm phát cao năm 2011 mà do đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, nhiều công trình chậm tiến độ… thì vẫn là thuộc khu vực kinh tế Nhà nước, mà DNNN đóng vai trò chính yếu.


Ảnh: BĐT

Có lẽ cũng không lấy gì làm quá, khi nói “tội đồ” của mất cân đối vĩ mô và lạm phát cũng có nguyên nhân chính từ DNNN, nhất là từ đầu tư công, tình trạng kém hiệu quả, dàn trải, đầu tư không đem lại hàng hóa, dịch vụ tương ứng… thì đó chính là nguyên nhân gây mất cân đối hàng – tiền, cội nguồn của lạm phát.

Cũng cho đến nay, ngay cả những vấn đề thuộc về lý luận tưởng chừng như đã rõ, như khoanh vùng, khu vực cho việc sắp xếp lại DNNN, không nhất thiết phải nắm tất cả các ngành, hàng, các lĩnh vực trong nền kinh tế, mà nắm những “vũ đài chính”… thì lại vẫn còn rất “mù mờ”, tranh cãi… cho dù đã bốn lần sắp xếp lại DNNN theo những tiêu chí mỗi thời kỳ đều có chỉnh lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nghĩa là chưa ngã ngũ DNNN cần phải nắm những ngành, những lĩnh vực nào? Tư tưởng muốn vươn ra, bành trướng ra nhiều ngành vẫn còn. Cơ chế ngân sách mềm vẫn còn khá thịnh hành. Tệ nạn xin - cho, ban phát không những không giảm, mà còn phát triển mạnh, ngày càng trở nên tinh vi.

Thiếu chế tài xử phạt trong trường hợp không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ được giao đối với lãnh đạo các DN thua lỗ. Cơ chế tạo động lực cũng chưa đủ khuyến khích, đặc biệt đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn.

Cơ chế giám sát, đánh giá còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Việc giám sát chủ yếu thông qua kênh báo cáo. Trong khi đó, các báo cáo này mang tính chất hành chính, thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu. Thêm nữa, còn thiếu một hệ thống các tiêu chí mang tính bắt buộc có cơ sở khoa học để đánh giá định kỳ thực trạng hoạt động của các DNNN, cũng như các báo cáo.

Mặt khác, thông tin báo cáo lại tập trung về những bộ phận không đủ năng lực trình độ, thậm chí không đủ cả thời gian để đọc và phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh trong hoạt động của DNNN.

Bên cạnh đó, việc giám sát được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, thiếu cơ chế phối hợp…

Cần tư duy lại, hay cuộc đổi mới lần hai

Ðã có không ít ý kiến nêu về vấn đề này, nhưng nếu đổi mới lần hai, có lẽ gian nan, vất vả hơn vì những rào cản về lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nay không hề nhỏ (do thế lực kinh tế lớn hơn nhiều lần so với cách đây 30 năm).

Nhưng cũng không thể ca mãi điệp khúc “hiệu quả thấp, làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng…” trong xu thế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay. Phải sớm đi đến sự khẳng định: “Cùng một công việc ấy, kinh tế Nhà nước thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn hẳn so với các thành phần kinh tế khác!”. Ðây không phải là khẩu hiệu suông, vì nếu không làm được, mệnh đề “chủ đạo” chỉ là sự níu kéo tình trạng cũ – nguồn vốn của đất nước lại tiếp tục chảy từ nơi tỷ suất lợi nhuận cao sang nơi thấp (ngược quy luật kinh tế). Lại càng không thể dùng khu vực có hiệu quả thấp để làm công cụ chủ lực trong điều tiết nền kinh tế.

Những lý do về gánh nặng nhiệm vụ xã hội do Nhà nước giao cho DNNN cũng chỉ là sự biện hộ, nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh – cùng một nhiệm vụ do Nhà nước đặt ra với nguồn lực xác định, nếu đem đấu thầu bình đẳng giữa các loại hình DN thuộc mọi thành phần kinh tế… chắc gì DNNN đã thực hiện tốt hơn! Và có lẽ Nhà nước nên sớm tách bạch phần nhiệm vụ này để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Có như vậy, nguồn vốn đầu tư Nhà nước mới sớm “tìm mặt gửi vàng”, tìm được nơi sử dụng hiệu quả.

PGS, TS. Lê Xuân Đình - Tạp chí Kinh tế và Dự báo

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều