DNNVV: Sao chậm lớn?

14:18 | 14/03/2012

Từ khi tinh thần kinh doanh được "cởi trói" cùng nhiều giải pháp và kế hoạch hỗ trợ, trợ giúp DN được ban hành, số lượng DN Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Xong ngoảnh lại, gần 10 năm qua, DN Việt Nam vẫn trong tình trạng "sinh nhiều, lớn chậm".

Thiếu cơ hội, yếu liên kết

Những năm qua, số lượng DN Việt Nam tăng lên nhanh chóng và đã trở thành động lực của tăng trưởng, đặc biệt là những DNNVV. Nhìn về tốc độ gia tăng DN trung bình hàng năm, trong giai đoạn 2000-2009, số DN siêu nhỏ có tốc độ tăng lớn nhất 24,7%; số DN nhỏ là 20,41%, tốc độ tăng của DN vừa là 11,79% và DN lớn là 7,28%.

Điều đáng mừng vì lực lượng DN ngày một đông nhưng cũng còn chưa như mong muốn, DN Việt Nam vẫn còn yếu khi phần lớn là DNNVV.


DNNVV đang loay hoay trong vòng luẩn quẩn. (Ảnh: VnExpress)

Một trong những nguyên nhân chậm lớn của các DNNVV là do bị thiệt thòi về cơ hội. Mặc dù đã có nhiều thay đổi về môi trường pháp lý, song nhìn chung các DNNVV vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với các DNNN và DN FDI nhất là về tiếp cận đất đai, vốn, cơ hội kinh doanh, nguồn lực... Đặc biệt, một số ngành nghề đã được mặc định là khu vực dành riêng cho các DNNN khiến cho các DN tư nhân khó có thể chen chân.

Trong suốt hơn một t hập niên vừa qua, các DNNVV tư nhân hầu hết phải hoạt động trong các lĩnh vực và những ngành kém hấp dẫn hơn về lợi nhuận và khó khăn hơn về điều kiện gia nhập thị trường, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận thấp như: chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, dệt may, da giày...

Cái sự lặng lẽ phát triển của các DNVVV cũng một phần do mối liên kết giữa các DN trong nền kinh tế lỏng lẻo. Ba khu vực DNNN, DN FDI và DN tư nhân hiện đang hoạt động tương đối "độc lập", trong đó mỗi khu vực gần như một "ốc đảo" riêng.

Tính liên kết giữa các DN chưa được tăng cường, khiến các DNNVV khu vực tư nhân có rất ít các mối quan hệ thầu phụ hay liên kết kinh doanh với các DNNN hay các DN FDI. DN tư nhân chưa trở thành một cấu phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của các DN lớn hơn, là các DNNN và các DN FDI, như vẫn có ở các nước khác.

Không chỉ yếu trong mối liên kết theo chiều dọc này, mối liên kết theo chiều ngang của các DN tư nhân cũng đặc biệt hạn chế với sự thiếu vắng c ủa c ác cụm được hình thành và hoạt động một cách hiệu quả. Tất cả những điều này đã làm giảm sức lớn của từng DN, làm yếu khả năng cạnh tranh của cả DN lẫn cả quốc gia.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố:

* Trong số 248.842 DN đang hoạt động tính đến ngày 1/1/2010, có 162.785 DN siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ 65,42%), 74.658 DN nhỏ (30%), 5.010 DN vừa (2,01%) và 6.389 DN lớn (2,51%).
* Tổng cộng, số DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ tới 97,43%.
Điều này gây trở ngại cho việc hình thành một khu vực DN đầu tàu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Vốn thiếu, khó tìm chỗ dựa

Không có khả năng tiếp cận tới những cơ hội kinh doanh có khả năng lợi nhuận cao và do thiếu các nguồn lực cần thiết, tỷ suất lợi nhuận của các DN tư nhân thấp hơn rất nhiều so với DN FDI hay DNNN.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) của DNNVV trong khu vực tư nhân chỉ đạt 3,7% so với mức 13,3% của các DNNN và 24,3% của các DN FDI. Lợi nhuận thấp rõ ràng là một trong những cản ngại lớn nhất đối với quá trình phát triển về quy mô của các DNNVV.

Bên cạnh đó, do năng lực tài chính yếu kém, thiếu minh bạch nên các DNNVV cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho dù hệ thống NHTM đã có nhiều cố gắng hỗ trợ khối DN này. Phát hành cổ phiếu, trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả cho DN nhưng đối với DNNVV Việt Nam dường như đó vẫn chỉ là "lý thuyết".

Rõ ràng, thị trường chứng khoán, thị trường vốn chưa chứng minh được là một kênh dẫn vốn bổ sung quan trọng cho các DNNVV. Lực yếu và lớn chậm, thiếu tính minh bạch và thiếu đầy đủ của các thông tin tài chính, lại yếu kém trong công tác quản trị DN khiến cổ phiếu của DNNVV kém hấp dẫn. Phát hành trái phiếu thì thiếu hành lang pháp lý. Vậy là DNNVV vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự lớn lên hiện nay.

Các DNNVV do vậy lại rơi vào một vòng luẩn quẩn đó là không thể có nguồn lực và quy mô để đầu tư vào máy móc, công nghệ, phương thức quản lý, tận dụng những lợi thế về quy mô - những yếu tố hết sức cần thiết để có thể vươn lên một nấc thang mới về giá trị gia tăng.

TS. Lê Duy Bình
(Chuyên gia kinh tế Economica Việt Nam)


thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều