Đo hiệu quả chính sách bằng chỉ số lòng tin

11:29 | 11/05/2012

"Khi diễn biến lạm phát đã ổn định trên 6 tháng thì việc cắt giảm trần lãi suất huy động trong năm 2012 và tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay là có thể thực hiện được, nhưng lộ trình không nên quá dồn dập khiến tạo ra sự ngộ nhận về chính sách." - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam.

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, CPI ổn định là một tín hiệu tích cực, nhưng nếu nó đến từ việc sức cầu suy giảm thì lại là điều đáng lo.

Tình hình lạm phát có xu hướng khá ổn định trong những tháng gần đây. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?

Chúng ta đều biết, lạm phát đạt đỉnh điểm ở mức 23% trong tháng 8/2011 và sau đó giảm dần. Mức lạm phát đã hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ (trung bình là ba tháng và hàng năm) cho thấy đà lạm phát cũng đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Trong quý I/2012, chỉ số này giảm xuống dưới 5% từ mức đỉnh vào giữa năm 2011.

Có nhiều yếu tố góp phần giảm tỷ lệ lạm phát. Trong số này nổi bật là tác động từ chính sách thắt chặt kinh tế vĩ mô trong năm 2011, tỷ giá hối đoái ổn định và sự cải thiện lòng tin của người dân vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, việc CPI tăng chậm không thể không tính tới yếu tố giảm sút tổng cầu. Theo số liệu của Bộ Công thương, tính chung 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,3%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 762.000 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%. Tình trạng sản xuất đình trệ, hàng tồn kho lớn do sức mua giảm sút là nguyên nhân khiến CPI tăng chậm so với quy luật hàng năm.

Để có thể duy trì sự ổn định ở mức thấp của lạm phát nhưng không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần có những điều chỉnh như thế nào và làm thế nào kết hợp các chính sách này, thưa ông?

Sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng quá nhanh và có sự kích thích lớn trong chính sách tài khóa những năm 2009 và 2010, thì việc áp dụng một chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng cũng như phối hợp giữa cách chính sách một cách chặt chẽ hơn là rất quan trọng để đảm bảo rằng áp lực lạm phát cao không trở lại.

Về chính sách tiền tệ, khi diễn biến lạm phát đã ổn định trên 6 tháng thì việc cắt giảm trần lãi suất huy động trong năm 2012 và tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay là có thể thực hiện được, nhưng lộ trình không nên quá dồn dập khiến tạo ra sự ngộ nhận về chính sách.

Chính sách tài khóa cũng có thể hỗ trợ bằng cách giúp giảm bớt khó khăn của DN qua việc miễn giảm các nghĩa vụ tài chính, nhưng cũng cần phải cân đối yếu tố thâm hụt ngân sách ở mức chấp nhận được. Ví dụ, chính sách tài khóa có thể hỗ trợ nền kinh tế bằng cách đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhưng việc lựa chọn các dự án để đầu tư cần được tiến hành một cách công khai, minh bạch.

Chính sách tiền tệ và tài khóa có thể được phối hợp trong việc giúp đỡ các DN và hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, Chính phủ cần hết sức thận trọng. Việc giảm lạm phát và khôi phục lại niềm tin vào tiền đồng những tháng gần đây đã được thực hiện một cách tương đối hiệu quả, phải tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả này.

Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường thắt chặt chính sách tài khoá một cách thận trọng, đồng thời cần củng cố kịp thời khu vực tài chính bằng các biện pháp rõ ràng. IMF đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc cắt giảm đáng kể đầu tư công, kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án hiệu quả và thực sự cần thiết.

IMF cũng cho rằng, việc cải cách DNNN là việc làm cần thiết nhằm giảm rủi ro cho nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Việc cắt giảm đầu tư của các DNNN vào các dự án kém hiệu quả không chỉ giúp kiểm soát lạm phát và cải thiện chất lượng tài sản có tại một số ngân hàng mà còn giảm các khoản nợ dự phòng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường quản trị và kỷ luật tài chính của DNNN trên một cơ sở bền vững nhằm cải thiện kết quả hoạt động của các DNNN và giảm những rủi ro đối với khu vực tài chính cũng như nền tài chính công.

Vậy theo ông, quyết tâm giữ lạm phát dưới 10% trong năm nay của Chính phủ có thành hiện thực?

Tỷ lệ lạm phát mục tiêu có thể giữ dưới 10% trong năm nay nếu ở trong nước, chính sách kinh tế vĩ mô chặt chẽ được duy trì và không có cú sốc nào quá lớn từ bên ngoài. Dĩ nhiên sẽ có không ít áp lực từ việc tăng giá nhiên liệu và giá điện trong các tháng còn lại và cần theo dõi chặt chẽ hiệu ứng lan tỏa từ những đợt tăng giá này.

Tuy nhiên, để kiềm chế lạm phát, bên cạnh những yếu tố khác, cần chú ý đến các vấn đề sau: (i) hạn chế tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, (ii) giải quyết vấn đề của các ngân hàng yếu một cách nhanh chóng và (iii) tăng cường niềm tin của thị trường vào tiền đồng để duy trì lạm phát ở mức kỳ vọng.

Ông khuyến cáo gì về chính sách tiền tệ, chính sách điều chỉnh lãi suất và tỷ giá hối đoái trong thời gian tới đây?

Có thể thấy, lãi suất cả huy động và cho vay đã giảm dần trong mấy tháng gần đây dưới tác động của cả các biện pháp hành chính và lạm phát giảm nhiệt. Khi lãi suất huy động về khoảng 10%/năm và cho vay ra chênh vài phần trăm là mức phù hợp để cân đối lợi ích của người gửi tiền - ngân hàng - người đi vay.

Trong những tháng tới đây, việc duy trì chặt chẽ giới hạn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các ngân hàng yếu. Điều này có thể tạo nên sự lành mạnh cơ bản trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Lĩnh vực này hoạt động một cách lành mạnh sẽ tạo ra chỗ dựa cho nền kinh tế và ngược lại.

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước nên đặt ra mục tiêu giảm giá tiền đồng mức chỉ khoảng 2 - 3% cho đến cuối năm nay. Trong bối cảnh hiện nay, sự ổn định của tiền đồng và nỗ lực xóa bỏ cơ chế 2 tỷ giá trên thị trường trong vài tháng qua có thể nói là một bước tiến đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, việc duy trì lòng tin của công chúng là rất quan trọng để các kế hoạch nêu trên trở thành hiện thực.

Theo Hồng Dung (ĐTCK)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều