Doanh nghiệp cần cách nhìn thân thiện hơn về chính sách

09:03 | 09/12/2019

Trên nền tảng những thành quả đạt được trong năm 2019, nếu tiếp tục chủ động nắm bắt và đánh giá tình hình kịp thời, dự báo hiệu quả để bảo đảm điều hành đủ linh hoạt thì việc đạt được kết quả kinh tế - xã hội trong năm 2020 sẽ có nhiều thuận lợi. 

Giảm lãi suất tác động tích cực đến nền kinh tế
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
doanh nghiep can cach nhin than thien hon ve chinh sach
Những quy định pháp lý có thể giúp doanh nghiệp lành mạnh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh

Đây là nhận định được ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh kinh tế trong những tháng vừa qua?

Đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế có không ít điểm sáng. Thứ nhất, mặt bằng giá cả khá ổn định, lạm phát ở mức tương đối thấp. Nếu trở lại thời điểm đầu năm của 2019, chúng ta khó có thể dự báo mức lạm phát bình quân sau 11 tháng chỉ đạt hơn 2,5%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra của Quốc hội (khoảng 4%) cũng như mức phấn đấu của Chính phủ (dưới 4%). Kết quả ấy càng đáng ghi nhận hơn đặt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang mở cửa hội nhập, thị trường bên ngoài có nhiều xáo trộn, diễn biến tỷ giá của đồng tiền chủ chốt biến động mạnh, hay diễn biến dịch tả lợn châu Phi đẩy giá thịt lợn tăng mạnh…

Quan trọng hơn, kỳ vọng lạm phát không thay đổi nhiều, áp lực từ tiền tệ đối với lạm phát không đáng kể (lạm phát cơ bản 11 tháng đầu năm chỉ biến động rất ít). Chính ở đây, điều hành giá cả nói chung và điều hành tiền tệ nói riêng có đóng góp quan trọng.

Thứ hai, xuất khẩu dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn ở mức rất tích cực, nhất là trong tương quan với nhiều nước trong khu vực – vốn cũng đang dựa nhiều vào xuất khẩu. Mặt khác, mức tăng trưởng xuất khẩu hiện nay thấp hơn các năm trước, nhưng cũng phù hợp trong bối cảnh quy mô xuất khẩu (tính theo tỷ đôla Mỹ) hiện đã lớn hơn rất nhiều.

Hơn nữa, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 không còn dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số của khu vực trong nước 11 tháng đầu năm, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng trưởng ở mức một con số. Như vậy, khu vực doanh nghiệp trong nước đã thích ứng tốt hơn với những cuộc chơi từ hội nhập, kể cả những bất định từ chiến tranh thương mại và gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều thị trường.

Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài thực hiện vẫn tăng trưởng khá, ở mức 6,8% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi cho rằng tiềm năng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn khá lớn, trong bối cảnh mà nhà đầu tư nước ngoài đang có sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc và Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng về thu hút đầu tư. Cần lưu ý là nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam không phải chỉ vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc mà còn vì chúng ta đang phát huy tốt những ưu điểm như môi trường chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và cải cách hiệu quả môi trường đầu tư – kinh doanh.

Cuối cùng, khu vực kinh tế tư nhân đang có phát triển năng động, với hình ảnh ngày một “tươi mới” hơn. Bên cạnh những đóng góp về tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, gia tăng đầu tư trong tổng đầu tư toàn xã hội… khu vực tư nhân còn trực tiếp tham gia nhiều hơn trong các dự án hạ tầng, mang lại những chuyển biến rõ nét về tiến độ, chi phí. Theo đó, Nhà nước cần cân nhắc đặt niềm tin nhiều hơn nữa vào khu vực tư nhân trong thời gian tới.

Nhưng ắt hẳn vẫn có những vấn đề đáng lưu tâm và cần cải thiện, thưa ông?

Một vấn đề nổi lên hiện nay là giải ngân đầu tư công còn chậm. Trong năm qua, chúng ta thấy Chính phủ rất thường xuyên, thậm chí quyết liệt; các bộ, ngành cũng thể hiện quyết tâm, thế nhưng vẫn thấy hiện tượng tiến độ giải ngân đầu tư công chưa nhanh, chưa đều, có dự án giải ngân nhanh nhưng thiếu vốn, có dự án thừa vốn và chậm tiến độ...

Nếu không thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, rủi ro không chỉ ở hiệu quả sử dụng vốn mà còn liên quan tới việc bảo đảm các tài sản công cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Giải pháp đã có không ít, những có lẽ quan trọng nhất hiện nay là cần đả thông được “ý thức trách nhiệm” trong việc phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch hóa thông tin để các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, cộng đồng giám sát và phản hồi về các dự án.

Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật ở các thị trường đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều. Nhưng cần lưu ý, đây không phải là vấn đề riêng cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cả với rất nhiều các nước xuất khẩu khác. Vấn đề ở đây là chúng ta lựa chọn cách hành xử như thế nào? Chúng ta sẽ không thể phát triển xuất khẩu một cách bền vững được nếu như doanh nghiệp chỉ coi đấy là những biện pháp “gây khó” của nước ngoài và từ đó tìm cách “đối phó”. Thay vào đó, chúng ta phải nhìn nhận tích cực để thích ứng, thậm chí thích ứng nhanh hơn các đối thủ khác.

Ví dụ sinh động nhất là trường hợp của ngành cá da trơn. Vào cuối tháng 10 vừa rồi, Mỹ đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Bước tiến rất lớn ấy sẽ không thể có được nếu chỉ dựa trên sự tự nguyện đáp ứng của doanh nghiệp, mà còn có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chủ động điều chỉnh các chính sách trong cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, các quy định liên quan đến quy trình sản xuất.

Trong chừng mực, doanh nghiệp cần có cái nhìn thân thiện hơn về cách tiếp cận chính sách của Nhà nước, đặc biệt cần tránh nhìn nhận “cực đoan” là các quy định của Nhà nước chỉ nhằm gây khó cho doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, những quy định như vậy sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động sản xuất và chất lượng của hàng hóa xuất khẩu và như vậy cũng đồng nghĩa giúp cộng đồng doanh nghiệp và cả ngành xuất khẩu tránh được rủi ro, tránh bị “vạ lây” từ một vài doanh nghiệp làm ăn kém.

Cuối cùng, công tác điều hành giá cả cần cân nhắc thấu đáo, tránh làm giảm tính thị trường của một số mặt hàng, ví dụ như giá thịt lợn, giá điện…

Vừa qua, NHNN có động thái giảm giá mua vào đồng USD mà theo nhiều nhận định thì đây là một dấu hiệu nữa thể hiện sự linh hoạt, chủ động của NHNN. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Trên phương diện điều hành tỷ giá, NHNN hiện đã có nhiều kinh nghiệm và dư địa điều hành. Việc NHNN đưa ra thông điệp và làm rõ việc điều hành tỷ giá không hướng tới hỗ trợ xuất khẩu là rất phù hợp. Cân nhắc điều hành tỷ giá hiện không chỉ đơn thuần là chuyện cung - cầu nữa, mà còn có những cân nhắc để bảo đảm được nhiều mục tiêu khác nhau. Quan trọng hơn, điều hành tỷ giá như thế nào để vừa góp phần tạo được mặt bằng giá ổn định trong nước, vừa tác động tích cực đến kỳ vọng của thị trường, vừa tạo dựng dư địa để đối phó với những biến động và tác động của thị trường bên ngoài.

Cá nhân tôi cho rằng, sự linh hoạt của NHNN đã được thể hiện rất tích cực trong thời gian vừa qua. Nhưng sự linh hoạt ấy cũng đi kèm với sự thận trọng. Và sự thận trọng này được tích lũy bởi kinh nghiệm của NHNN trong nhiều năm qua khi ứng xử với biến động kinh tế vĩ mô nói chung và dòng vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Do đó, cũng không phải tự nhiên mà rất nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá lại giai đoạn từ năm 2018 trở đây thì một trong những thành tựu lớn nhất của NHNN chính là điều hành tỷ giá.

Với những kết quả đã đạt được cũng như những bất cập đang hiện hữu, ông có khuyến nghị gì về điều hành chính sách trong năm 2020?

Cá nhân tôi cho rằng, với khả năng, kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, với khung chính sách mà chúng ta đã thiết lập và áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong thời gian qua (kết hợp giữa tạo dựng và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ứng xử với những tác động bất lợi từ bên ngoài cũng như thúc đẩy cải cách vi mô) thì việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội trong năm 2020 có khá nhiều thuận lợi.

Dù vậy, không nên hạ thấp yêu cầu thông tin và dự báo hiệu quả. Bối cảnh bên ngoài còn khá nhiều bất định. Chuyển biến trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, môi trường, xã hội... ngày một nhanh hơn và đa chiều hơn. Chúng ta cần tiếp tục nắm bắt thông tin, kịp thời đánh giá tình hình, những chuyển biến chính sách từ các đối tác lớn và các xu thế lớn, để có những bước điều chỉnh linh hoạt trong khuôn khổ chính sách chúng ta đã thiết lập.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê thực hiện

Tin đọc nhiều