Doanh nghiệp cần chủ động

18:51 | 14/05/2012

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi làm ăn, giao thương với các đối tác nước ngoài gặp trở ngại từ những rào cản thương mại, kỹ thuật... thậm chí vướng vào tranh chấp, kiện tụng.

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.

*Hội nhập kinh tế quốc tế giúp DN trong nước có điều kiên thuận lợi vươn ra thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu... Nhưng xem ra các DN trong nước còn rất thiếu kinh nghiệm giao thương quốc tế.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng

Đúng vậy. Việc mở cửa ra thế giới tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Nhưng thời gian qua, hoạt động xuất khẩu còn bị cản trở bởi những rào cản thương mại từ phía các nhà nhập khẩu dựng lên, cũng như không ít DN Việt Nam vẫn vướng vào các vụ kiện tụng, tranh chấp thương mại. Mà hậu quả của nó để lại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín, thương hiệu quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do thói quen kinh doanh của các DN từ xưa đến nay dựa trên mối quan hệ, kinh nghiệm, hiểu biết cá nhân chứ không nhiều DN chịu tìm hiểu, khảo sát một cách bài bản về thị trường xuất khẩu cũng như đối tác kinh doanh của mình. Chính vì điều này dẫn đến các hợp đồng ký kết thường lỏng lẻo và không dựa trên các căn cứ pháp lý và khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng, phần thiệt thòi, thua kiện thường rơi vào các DN Việt.

*Vậy theo ông, cần làm gì để không vướng vào những rào cản này?

Trước tiên, khi có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh, xuất khẩu sang nước nào, DN cần trang bị vốn hiểu biết nhất định về luật pháp, văn hóa, cách thức làm ăn, thế mạnh… của đối tác hay đất nước mà DN có ý định đưa hàng hóa vào. Đặc biệt, cần chú trọng đến hệ thống pháp lý, những quy định có liên quan đến việc ký kết hợp đồng, giao thương giữa hai bên. Ngoài ra, cũng cần có mối liên hệ với các tổ chức, cơ quan tư vấn pháp luật… để khi cần có thể coi đây là kênh thông tin, hỗ trợ hữu ích cho hoạt động kinh doanh của DN.

*Rộng hơn, DN cần phải làm gì để hội nhập thành công?

Khi đã ra sân chơi lớn, DN cần phải chuẩn hóa hoạt động của mình, tự nâng tầm hiểu biết cũng như tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các cơ quan tư vấn pháp luật, hỗ trợ giao thương (ví dụ như Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO). Quan tâm đến những "lá chắn" bảo vệ sản phẩm, DN mình như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thành lập bộ phận chuyên trách tìm hiểu thông tin pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Liên kết với các DN trong nước cùng lĩnh vực ngành nghề để tạo ra tiếng nói chung.Tuy nhiên, dù là DN xuấtkhẩu, nhập khẩu hay bất cứ DN hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nào cũng đều hoạt động dựa trên chính thể luật pháp. Vì vậy, cần có sự tuân thủ đúng các quy định trong nước để từ đó khi vươn ra các nước trên thế giới vẫn có được sự hỗ trợ và bảo vệ từ quốc gia mình.

* Xin cảm ơn!

Bùi Thêm thực hiện

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều