Doanh nghiệp chết hay chỉ “thoát xác”

16:06 | 21/05/2012

Hiện quy trình thành lập mới DN khá đơn giản. Thậm chí nhiều địa phương còn tiến hành thủ tục một cửa liên thông để tạo điều kiện tối đa cho việc gia nhập thị trường. Tuy nhiên, do sự thiếu liên kết giữa các cơ quan trong việc quản lý DN đã dẫn đến tình trạng nhiều DN ra đời, song sống, hay chết cũng chẳng ai hay biết.

Sinh nhưng không... quản

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ ba được khai mạc vào ngày hôm nay, trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có khoảng 24 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 130 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và 14,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2011.

Cũng trong 4 tháng, có trên 17,7 nghìn DN làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ.


Việc ân hạn thời gia nộp thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho hoạt động chiếm đoạt thuế (Ảnh: PV)

Như vậy, tính đến 30/4, trong tổng số hơn 647,6 nghìn DN đã thành lập, cả nước còn khoảng 463,8 nghìn DN đang hoạt động, chiếm 71,6%, có trên 81,9 nghìn DN đã giải thể, trên 16 nghìn DN đã đăng ký dừng hoạt động. Đáng lưu ý là có trên 85,8 nghìn DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

Chính thực trạng này khiến các chuyên gia lo lắng. Quả vậy, hiện quy trình thành lập mới DN khá đơn giản. Thậm chí nhiều địa phương còn tiến hành thủ tục một cửa liên thông để tạo điều kiện tối đa cho việc gia nhập thị trường. Tuy nhiên, do sự thiếu liên kết giữa các cơ quan trong việc quản lý DN đã dẫn đến tình trạng nhiều DN ra đời, song sống, hay chết cũng chẳng ai hay biết. Đơn cử, như TP. Hồ Chí Minh, Quý I/2012 Cục Thuế thông báo có hơn 5.000 DN dừng hoạt động; trong khi theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mới có hơn 400 DN làm thủ tục giải thể. Hai con số lệch pha này có thể hiểu, có nhiều DN đã “chết”, không thực hiện nghĩa vụ thuế, song không chịu... khai tử.

Cũng chính do quản lý lỏng lẻo nên tình trạng nợ thuế, trốn thuế càng có điều kiện phát triển khiến ngân sách bị thất thu không nhỏ. Thậm chí nhiều đối tượng còn lợi dụng lập ra hàng loạt các công ty “ma” chỉ với mục đích chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước. Ông Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Cục trưởng thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, “một người đứng tên thành lập đến 39 DN”.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã phải thốt lên “quản lý cấp phép thế nào mà để cho DN cứ đẻ ra chỉ để hoàn thuế VAT và nợ đọng thuế”. Bởi theo số liệu Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm thu thuế nội địa đạt 52,8 ngàn tỷ đồng, nếu trừ dầu thô ra chỉ đạt trên 32% kế hoạch, trong đó Hải quan thu thuế giảm 6,4% so với cùng kỳ có nguyên nhân nợ đọng thuế của DN.

Hạn chế từ Luật quản lý thuế

Ông Nguyễn Trọng Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân nợ thuế do DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế cho hoạt động XNK tùy theo từng loại hàng, tối thiểu 30 ngày và tối đa 275 ngày. Dẫn đến tình trạng nhiều năm qua DN đã thành lập ồ ạt để tranh thủ nhập khẩu hàng hóa, sau đó bỏ trốn để chiếm đoạt tiền thuế. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự thiếu liên kết giữa các cơ quan chức năng nên không thể theo dõi được quá trình hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, Luật quản lý thuế hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho hành vi trốn thuế. Ông Hùng cho rằng, hiện cơ quan hải quan có thể thực hiện dừng làm thủ tục và bắt giữ hàng hóa XNK nếu DN nợ thuế quá hạn. Thế nhưng, theo quy định muốn siết DN trây ỳ thuế, hải quan phải chờ các cơ quan khác thực hiện theo đúng trình tự mới tới hải quan. Trong quá trình truy thu thuế, cơ quan thuế muốn trích tiền trên tài khoản ngân hàng của DN nợ thuế quá hạn cũng khó do trong thời gian chuẩn bị hồ sơ chuyển qua ngân hàng phong tỏa tài khoản DN lại chuyển hết vốn sang ngân hàng khác. Kê biên tài sản DN rất khó xác định do tính phức tạp của chủ sở hữu, cổ phần, liên doanh đan chéo nhau...

Ngoài sự hạn chế của việc ân hạn thuế XNK để DN nợ thuế, việc hoàn thuế VAT có nhiều kẽ hở cũng đang kích thích DN thành lập ồ ạt. VAT bản chất là thuế gián thu qua nhà bán hàng và người chịu thuế là người sử dụng hàng hóa dịch vụ cuối cùng. Một nguồn tin từ Bộ Tài chính, “thất thu thuế gián thu cả nước hiện lên đến 20% tổng thuế thu”. Ở TP. Hồ Chí Minh khi cơ quan chức năng kiểm tra tới địa chỉ DN đăng ký mới thấy chủ DN thuê ông lái xe ôm, bà bán cà phê trước cửa ký tác chứng từ thuế. Nhiều DN nợ thuế quá hạn khi kiểm tra mới lòi ra chủ sở hữu đã bỏ trốn. Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, nên xây dựng chương trình quản lý nợ thuế trực tuyến để chặn tình trạng thành lập mới nhiều DN nhằm mục địch nợ thuế hoặc hoàn thuế. Hạn chế tối đa lĩnh vực ân hạn thuế để lợi dụng việc nhập hàng tạm nhập tái xuất để trốn thuế. Chỉ khuyến khích nhập nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, hoàn thuế cho DN có vốn sản xuất kinh doanh.

Tình trạng cấp phép thành lập DN không có quan lý, dẫn đến số lượng DN “ảo”, làm cho tính dự báo của nên kinh tế bị sai lệch. Cơ quan quản lý khó lọc lựa đâu DN làm ăn đàng hoàng, đâu là DN “ma”, nguy cơ DN “ma” lợi dụng các gói hỗ trợ giãn giảm thuế của Nhà nước rất cao. Trong rất nhiều DN làm ăn đàng hoàng nhưng gặp khó khăn cần Nhà nước hỗ trợ, nhưng cũng có không ít DN sinh ra chỉ để lợi dụng chính sách thuế. Các chuyên gia cho rằng, cơ quan cấp giấy phép thành lập DN mới phải kiểm tra năng lực, cơ sở, địa chỉ cụ thể và có kết nối với cơ quan thuế mới cấp phép hoạt động. Luật DN tạo điều kiện thông thoáng với những người mới thành lập DN còn nhiều khó khăn, nhưng khi làm ăn có lời phải có nghĩa vụ thuế với đất nước.

Phạm Hà Nguyên

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều