Doanh nghiệp có cơ chế cạnh tranh lành mạnh hơn

07:00 | 10/10/2019

Doanh nghiệp Việt sẽ có môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh hơn hiện nay rất nhiều.

Ngày 26/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2019/NĐ-CP (Nghị định 75), quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng. Các quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức, đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng 1/2 mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

doanh nghiep co co che canh tranh lanh manh hon
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI – HCM), đối tượng áp dụng Nghị định 75 bao gồm tổ chức, cá nhân, kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp), trong đó có cả doanh nghiệp sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có đối tượng là các Hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam. Các cơ quan tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

Về hình thức xử phạt vi phạm và khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về cạnh tranh, Điều 3, Nghị định 75 quy định rõ, đối với mỗi hành vi vi phạm về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, tịch thu tang vật; Khắc phục hậu quả bằng cách cải chính công khai, bỏ các điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng…

Vấn đề bí mật kinh doanh luôn là rất nhạy cảm, thậm chí còn quyết định sự thành hay bại của mỗi doanh nghiệp. Do đó, để bảo vệ doanh nghiệp, tại Nghị định 75/2019, Chính phủ đã tăng mức xử phạt đối với những hành vi này bằng cách dành riêng một mục với 06 Điều để quy định về mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh.

Trong đó, với hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, hoặc tiếp cận thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật thì bị phạt tiền từ 200 triệu – 300 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi do cá nhân thực hiện thì mức phạt đối với cá nhân bằng nửa mức phạt đối với tổ chức, đồng nghĩa với việc cá nhân sẽ bị phạt tối đa 150 triệu đồng. Đặc biệt, phạt tiền từ 100 triệu đồng – 200 triệu đồng đối với hành vi gián tiếp và từ 200 triệu đồng – 300 triệu đồng đối với hành vi trực tiếp cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Phạt tiền gấp hai lần các mức trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Ở những điều khác cũng quy định rất rõ, doanh nghiệp nào có hành vi lạm dụng vị trí, thống trị thị trường sẽ bị phạt tiền từ 1% - 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp (bán hàng hóa, cung ứng dịch dưới giá thành… Hay áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý… Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hòa, dịch vụ và cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ…).

Ông Nguyễn Hữu Nam nhận định, Nghị định 75 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 quy định mức xử phạt đối với những hành vi nêu trên đều cao gấp 10 lần (Bởi theo Điều 29 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, đang được áp dụng hiện nay và hết hiệu lực từ ngày 1/12/2019) thì mức phạt đối với tổ chức có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh chỉ từ 10 triệu - 30 triệu đồng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt sẽ có môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh hơn hiện nay rất nhiều.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều