Doanh nghiệp góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Séc

09:49 | 02/12/2019

Cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Séc hiện đang rất rộng mở, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực vào đầu năm 2020, sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhất là Cộng hòa Séc và từ Séc sang Việt Nam.

Việt Nam và Cộng hòa Séc đang tiến tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hợp tác kinh tế Việt - Séc tuy có tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 307 triệu USD, trong đó hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Séc đạt 180 triệu USD và nhập khẩu từ quốc gia này là 127 triệu USD.

doanh nghiep gop phan thuc day quan he viet sec
Ảnh minh họa

Tính đến nay, Séc có 35 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 91,3 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Trong khi các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.

Theo các chuyên gia, những con số trên còn rất nhỏ so với tiềm năng của hai nước và cần phải phấn đấu hơn nữa để tăng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương. Cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Séc hiện đang rất rộng mở, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực vào đầu năm 2020, sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhất là Cộng hòa Séc và từ Séc sang Việt Nam. Đây sẽ là động lực cho sự tăng trưởng thương mại Việt - Séc trong thời gian tới.

Cùng với hợp tác song phương, hai bên còn có thể tận dụng hiệu quả hợp tác đa phương. Hiện, Cộng hòa Séc đã là thành viên tích cực trong cộng đồng EU, sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để thông thương vào thị trường 10 nước ASEAN. Từ đây, các doanh nghiệp Séc có cơ hội tiếp cận không chỉ với thị trường hơn 96 triệu người tiêu dùng Việt Nam mà là Cộng đồng kinh tế ASEAN có trên 650 triệu dân.

Với những động lực hợp tác quan trọng như vậy, bên cạnh lịch sử phát triển mối bang giao thân thiết giữa hai nước trong gần 70 năm qua, mục tiêu đạt trao đổi thương mại Việt - Séc ở mức 1 tỷ USD sẽ sớm thực hiện được.

Ông Richard Brabec, Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc cho rằng, các doanh nghiệp Séc và Việt Nam đều mong muốn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước, nhất là sự tăng trưởng đó lại được phát triển trên cơ sở áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại thì sẽ loại trừ được những hậu quả không mong muốn cho môi trường sống. Việc các nước thành viên thực hiện nghiêm túc những cam kết của các công ước quốc tế như Hiệp định Paris, sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngành tài nguyên và môi trường ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, rừng, biển cần được chúng ta quan tâm và có những hành động cụ thể thiết thực để bảo vệ môi trường tốt và hiệu quả hơn. Để bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tích cực, chúng ta cần sử dụng công nghệ mới và hiện đại với sự đồng hành của các công ty có năng lực và tâm huyết với công tác bảo vệ môi trường.

Duy Khánh

Tin đọc nhiều