Doanh nghiệp kinh hoàng, ngân hàng khiếp sợ

15:22 | 25/05/2012

“NH không những chẳng bán thêm được đồng vốn nào, mà hàng bán đi từ năm ngoái rồi còn bị trả lại. Tiền vốn của NH dư thừa, ế ẩm và đang đứng trước nguy cơ: Không đẩy được ra thì chết vì lỗ vốn (đọng vốn), mà tung ra thì cũng chết vì mất vốn (nợ xấu)”.

Bài 2: Ngân hàng cũng không muốn lãi suất cao

Ngư ông đắc lợi?

Dư luận cho rằng: "Ngân hàng (NH) đang sống trên lưng doanh nghiệp (DN)". Huy động 12%, cho vay 18 - 20%/năm, thì NH ăn hết phần của DN. Nhưng đấy cũng chỉ là những con số chưa biết nói. Muốn cho vay hoà vốn, thì phải cộng vào lãi suất huy động, nào dự trữ bắt buộc, nào tỷ lệ an toàn, nào dự phòng rủi ro và còn nhiều chi phí tối thiểu khác. Và nguồn cơn của vấn đề không thể bỏ qua, đó là lãi suất huy động vẫn vượt xa hàng rào 12%/năm.


Thị trường BĐS trầm lắng khiến các DN sản xuất VLXD cũng lao đao

Từ khi có trần 14%, rồi 13% và nay là 12%/năm, gần như mọi nơi, mọi lúc đều niêm yết kịch trần. Cứ dưới 1 tháng là 5%/năm, bất kể ít nhất cho 1 ngày hay nhiều nhất là 29 ngày; cứ từ 1 tháng trở lên là 12%/năm, bất biết đó là 30 ngày hay 300 ngày và với mọi số tiền nhiều hay ít. Đôi khi có NH yết giá dưới 12%, nhưng thực chất vẫn luôn kịch trần. Chẳng qua là để vừa khít trần khi cộng thêm giá trị quà cáp khuyến mại. Nếu theo lẽ thường, thì ai cũng muốn mua rẻ, bán đắt. Nhưng khi kỳ vọng của người dân vẫn còn cao, lẽ đương nhiên để mua được hàng, NH dù không muốn, vẫn buộc phải trả đắt nhất. Lãi suất thị trường tiền tệ cao, thực sự đã và đang là sự phản ánh trung thực, chính xác, khách quan, tất yếu của thị trường, của quy luật giá cả, cung cầu và rủi ro. Với sự cạnh tranh thật sự, quyết liệt giữa các NH, không hề có sự độc quyền, hoàn toàn không có việc liên kết làm giá để chi phối, thâu tóm, khuynh đảo thị trường.

Không có chuyện, khó khăn thì chỉ DN chết, còn NH thì sống. DN chết kiểu của DN, NH chết kiểu của NH: Chết bí mật và lặng lẽ”.

Vậy thì tại sao NH vẫn lãi cao ngất ngưởng? Chẳng qua, cũng chỉ là những con số đánh lừa cảm giác. Để nhận định đúng cao thấp, thì cần phải tính trên tỷ lệ đồng vốn đầu tư. Lãi 1.000 tỷ là lớn đối với NH có 3.000 tỷ đồng vốn tự có, nhưng lại là nhỏ đối với số vốn 10.000 tỷ đồng. Một NH tầm cỡ trung bình, với số vốn “tiền tươi thóc thật” 5.000 tỷ đồng, nếu cứ quẳng hết vào gửi NH khác, thì cũng kiếm được non 1.000 tỷ đồng tiền lãi vào năm ngoái. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn, thì chỉ có một số ít NH lãi cao do lợi thế, còn đa số cũng ở mức thường thường bậc trung so với cả nền kinh tế và trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Trong khi nợ xấu, rủi ro tiềm ẩn thì vào loại dẫn đầu thế giới.

NH không tự đẻ ra vốn, mà chủ yếu là phải đi vay của dân cư và DN. Rồi cũng với chính nguồn vốn ấy, lại dùng để cho DN và dân cư vay. Người cho NH vay thì luôn đòi nhận số lãi cao nhất. Trong khi người đi vay NH thì chỉ muốn trả mức lãi thấp nhất. Ngồi giữa thế trận như vậy, NH có thể nào trở thành ngư ông đắc lợi?

Trạng – Chúa cùng thuyền

NH cũng là DN, hai bên luôn phải dựa vào nhau, quan hệ mật thiết, sống còn, cùng chịu cuồng phong dữ dội của lạm phát và lãi suất. Vì vậy, không có chuyện, khó khăn thì chỉ DN chết, còn NH sống khoẻ. DN chết kiểu của DN, NH chết kiểu của NH: Chết bí mật và lặng lẽ. Xét về tổng thể chung, NH là tàu to vững chắc, DN là thuyền nhỏ mỏng manh.

Theo quy định của Chính phủ, một DN lớn có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên, còn một NH nhỏ cũng phải có số vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Trước cơn bão kinh hoàng, nghiệt ngã của thị trường, tàu to hẳn là phải vững vàng hơn thuyền nhỏ. Đừng bắt tàu to cứ phải đắm cùng, càng không được đắm trước, mà phải đắm cuối cùng, để còn cơ hội cứu thuyền nhỏ. Quan hệ DN - NH chẳng khác nào “trạng chết, chúa cũng băng hà”, nhìn rộng ra, thì cả DN và NH cũng đều ngự trên một con thuyền thị trường.

Có thể nói, cơn bão lãi suất cao ngật ngưỡng và dai dẳng đến mức làm cho DN thì kinh hoàng, còn NH thì khiếp sợ. Ai phải vì ai và ai cần cứu ai, thì phải xem xét sòng phẳng dựa trên cơ chế thị trường. DN khó vay vốn hay phải cam chịu vay với lãi suất cao, thì cũng đồng nghĩa với việc NH bế tắc không cho vay được và phải đối mặt với rủi ro chất ngất. Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 4 bị âm 1,71%, tức là NH không những chẳng bán thêm được đồng vốn nào, mà hàng bán đi từ năm ngoái rồi còn bị trả lại. Tiền vốn của NH đang dư thừa, ế ẩm và đang đứng trước nguy cơ: Không đẩy được ra thì chết vì lỗ vốn (đọng vốn), mà tung ra thì cũng chết vì mất vốn (nợ xấu). Như vậy, khó vay và lãi suất cao, đâu có phải là lỗi của NH?!

Đòi hỏi khách quan là cần giảm và phải giảm nhanh lãi suất, đồng thời với việc phải đẩy mạnh giải ngân tín dụng. Nhưng, muốn giảm lãi suất thật sự, thì cần sử dụng các công cụ kinh tế để tác động vào thị trường, chứ không phải là cứ mong muốn giảm xuống và ép buộc quan hệ bằng mệnh lệnh hành chính. Thị trường sẽ phản ứng theo quy luật riêng có, khách quan và tất yếu của nó, cho đến khi nào thị trường hồi sinh và lãi suất thực sự trở về đúng giá cả của nó.

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC (CÔNG TY LUẬT BASICO)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều