Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng

08:43 | 18/01/2016

Ngày 1/1/2016 là thời điểm khởi đầu chính thức để xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hình thành một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn sẽ được lưu chuyển tự do hơn trong toàn khối.

Tham gia AEC sẽ là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam, giúp DN giảm chi phí nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khẳng định: “AEC thực chất chưa thể coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EU) vì cơ cấu tổ chức, những cam kết ràng buộc còn chưa chặt chẽ. AEC là một tiến trình hội nhập khu vực và là cái đích hướng tới của các nước ASEAN…”.

Việc hiện thực hóa các mục tiêu của AEC đã được triển khai trong quá trình dài trước đây thông qua việc thực thi các cam kết tại các hiệp định thương mại mà các nước ASEAN đã ký kết và sẽ tiếp tục thực thi trong thời gian tới theo một lộ trình.

“Đó chỉ là điểm khởi đầu cho việc xây dựng AEC. Để trở thành một cộng đồng kinh tế gắn kết như EU, AEC còn phải đi một con đường rất xa với kết thúc chưa được ấn định”, ông Lộc cũng lưu ý.

doanh nghiep la mat xich quan trong
Áp dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng lực

Nhưng đây là cơ hội để nâng vị thế DN Việt lên tầm thế giới, cũng như khẳng định tên tuổi tại thị trường khu vực. Ngay bây giờ, các DN nội cần phải chủ động triển khai những kế hoạch rất cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đầu vào, đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì và khẳng định thương hiệu DN.

Nhiều chuyên gia nhận định, AEC được thành lập không tạo ra tác động đột biến đối với các nước trong khu vực, nhưng cơ hội cho các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường ASEAN tương đối lớn do yêu cầu chất lượng của các nước đối với hàng nhập khẩu không quá cao so với các nước EU, Mỹ, Nhật… Vì vậy, Việt Nam không gặp quá nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang các nước. Ngoài ra, vị trí địa lý lại gần, rất thuận tiện cho việc giao thương.

Nhưng hiện tại, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

“Chúng ta phải cải tiến chất lượng lao động, cải tiến năng lực cạnh tranh của mình để cạnh tranh được. Nên tập trung vào những ngành chúng ta có thế mạnh, phải có chọn lọc, cạnh tranh trong thời gian tới sẽ là hình thức để sàng lọc các DN Việt Nam, sàng lọc người lao động Việt Nam để chúng ta chuyển dịch cơ cấu, chuyển dịch lao động cho phù hợp hơn”, ông Lộc nhấn mạnh.

Để tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức khi hội nhập AEC, DN Việt cần tìm hiểu, nắm rõ thông tin để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, cần khuyến khích việc tăng cường hợp tác, mở rộng tự do hóa kinh tế với các nước thành viên. Qua đó, tạo thuận lợi về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, góp phần tạo dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm Việt Nam trong tiến trình hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng Vụ ASEAN cho rằng, tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ đem đến cho Việt Nam cả thuận lợi và thách thức. Về khía cạnh chính trị an ninh, AEC sẽ duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Về kinh tế, các DN sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới thông qua các FTA.

Ngoài ra, dưới con mắt của các nhà đầu tư toàn cầu, AEC là một điểm đến hứa hẹn. Sau khi AEC có hiệu lực, các DN Việt cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành cũng như tạo được lòng tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước với sản phẩm Việt Nam.

Hằng Lê

Tin đọc nhiều