Doanh nghiệp lớn ngán doanh nghiệp nhỏ

09:35 | 08/06/2012

Doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu nhỏ đang có được lợi thế linh hoạt hơn về giá do lượng nhập khẩu ít, bán đến đâu nhập khẩu đến đó nên khi giá thế giới xuống thấp như những ngày vừa qua, các DN nhỏ có mức lãi nhiều hơn so với DN lớn.

Chưa thể giao quyền cho DN định giá

Từ 14 giờ ngày 7/6/2012, theo văn bản số 239 /TB-BTC của Bộ Tài chính, xăng A92 giảm 800 đồng/lít, dầu hoả và dầu diesel giảm 700 đồng/lít, dầu mazút giảm 650 đồng/kg. Xăng A92 đã có giá bán mới là 21.900 đồng/lít, dầu diesel có giá bán 20.500 đồng/lít, dầu hoả là 20.400 đồng/lít và dầu mazút là 18.250 đồng/kg. Đây là đợt giảm giá xăng dầu thứ 3 trong năm 2012 và là đợt giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay. Đồng thời, với quyết định giảm giá xăng Bộ Tài chính cho biết sẽ điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710, thêm 3%. Dự kiến thuế nhập khẩu xăng tăng từ 4% lên 7%. Thuế nhập khẩu Dầu diezen tăng từ 3% lên 6%.


Ảnh: BĐT

Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), bình quân 29 ngày đầu tháng 5, giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm 6,99%-9,61% tùy từng chủng loại so với bình quân tháng 4. Đây là đợt giảm giá dài ngày nhất kể từ tháng 12/2009. Trong đó, giảm mạnh nhất là giá xăng A92 và ít giảm nhất là dầu diesel. Xu hướng giảm giá của thị trường xăng dầu thế giới được dự báo là vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới. Việc nhà máy lọc dầu Dung Quất đã bảo dưỡng xong và trở lại hoạt động bình thường trong tháng 5 cũng là một nguyên nhân làm giảm giá xăng dầu nhập khẩu.

Với diễn biến giá này, các DN kinh doanh xăng dầu đang có lợi nhuận tương đối với mức lãi khoảng 1.000 đồng/lít xăng. Nếu tính giá nhập khẩu trung bình trong 10 ngày, DN nhỏ, hàng tồn ít lãi khoảng 1.500 đồng/lít, nếu tính theo giá trung bình trong khoảng 4 đến 6 ngày thì lãi hơn 2000 đồng/lít. Dầu hoả, diesel, mazút cũng đều có mức lãi tương đối.

DN kinh doanh xăng dầu nhỏ đang có được lợi thế linh hoạt hơn về giá do lượng nhập khẩu ít, bán đến đâu nhập khẩu đến đó nên khi giá thế giới xuống thấp như những ngày vừa qua, các DN nhỏ có mức lãi nhiều hơn so với DN lớn. Vì vậy, để tăng sản lượng tiêu thụ, các DN này thi nhau tăng triết khấu hoa hồng cho đại lý với mức chiết khấu gần 1000 đồng/lít. Trong khi đó, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn, theo quy định hiện hành, trong công thức tính giá cơ sở, chỉ được trích chiết khấu hoa hồng tối đa là 600 đồng/lít. Hơn nữa, DN lớn vừa có nhiệm vụ đảm bảo cân đối cung cầu, vừa có nhiệm vụ bảo đảm lượng dự trữ xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày nên luôn nhập khẩu lượng lớn hơn, hàng trong kho nhiều hơn. Không những thế, không ít đại lý đã mặc nhiên bỏ qua cam kết chỉ nhận hàng từ DN đã hợp đồng, họ sẵn sàng nhập hàng từ DN cung cấp nào có chiết khấu cao hơn. Một DN xăng dầu cho biết, đại lý chỉ nhận hàng từ DN lớn rất cầm chừng.

Với câu hỏi từ thị trường, vì sao giá xăng vẫn tăng nhanh, giảm chậm, vì sao chỉ thấy DN có văn bản đề nghị được tăng giá nhưng chưa lần nào DN chủ động giảm giá bán lẻ, một DN cho biết: cho dù 11 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn, có thị phần thống lĩnh nhưng DN không thể chi phối thị trường xăng dầu, DN cũng không tự quyết định giá. Cũng theo DN, các DN đầu mối đã phải chịu lỗ tới hơn 5000 tỷ đồng vì lúc giá thế giới lên cao, DN nhỏ, bỏ thị trường không nhập khẩu, DN lớn, vẫn phải nhập khẩu để đảm bảo thị trường, kìm nén giá bán lẻ trong nước để bình ổn giá. Bởi vậy điều các DN Kinh doanh xăng dầu đầu mối đang mong mỏi là được tự quyết định giá và sớm sửa đổi Nghị định 84. Tuy nhiên cho đến nay, một số nội dung cần sửa đổi của Nghị định này lại chưa có được ý kiến thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Từ khi có Nghị định 84 thì thị trường xăng dầu đã cạnh tranh hơn khi có thêm 4 doanh nghiệp tư nhân tham gia là NamViet Oil, Công ty Thành Lê, Công ty Mipec và công ty Hải Hà.

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, trước mắt chưa giao cho DN định giá do “hiện nay còn DN nhóm, DN có vị trí thống lĩnh thị trường chi phối nên vẫn cần thực hiện việc quản lý, điều hành giá theo quy định tại Nghị định 84”. Cũng theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc giảm giá xăng và mức giảm giá, hay tăng thuế được quyết định trên tinh thần: khi có cơ hội giảm giá, phải chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo đó ưu tiên giải quyết lỗ tồn đọng của DN, giảm giá cho người tiêu dùng và khôi phục thuế nhập khẩu để thu về ngân sách.

Điều khó nhất hiện nay để đưa xăng dầu đi theo thị trường thực sự, giao quyền cho DN định giá như Nghị định 84 chính là các vướng mắc tồn dư về lỗ, âm Quỹ bình ổn. Chỉ khi nào các vướng mắc này được tháo gỡ, các khoản lỗ kinh doanh xăng dầu được bù đắp, Quỹ bình ổn lại có số dư nhất định thị trường xăng dầu trong nước mới có thể vận hành ổn định.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên thực sự để DN quyết định giá khi cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá bảo đảm Quỹ được sử dụng hiệu quả, trong phạm vi số dư của Quỹ. Đồng thời, có cơ chế giải quyết lỗ kinh doanh xăng dầu tồn đọng do DN tham gia thực hiện bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian vừa qua.

Linh Ly

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều