Doanh nghiệp nhà nước và những tiếng thở dài

07:00 | 24/10/2019

DNNN cần được giảm bớt nhiệm vụ, chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ chính là kinh doanh

Đã phát hiện sai phạm, đùn đẩy trách nhiệm trong cổ phần hóa
Nhiều DNNN chậm đổi mới, ngại đổi mới
Thủ tướng: Doanh nghiệp Nhà nước phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ

Những tiếng thở dài thiếu tin tưởng

Sự thua lỗ ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, lại thêm hiện tượng tham nhũng, sân trước, sân sau… đã làm mất niềm tin về DNNN, khiến cho vị thế, vai trò và công lao của DNNN mờ đi. Tâm lý chung trong xã hội khi nhắc đến DNNN là sự nghi ngờ đi kèm với tiếng thở dài thiếu thiện cảm.

doanh nghiep nha nuoc va nhung tieng tho dai
DNNN cần được giảm bớt nhiệm vụ, chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ chính là kinh doanh

Nhưng ở chiều ngược lại, DNNN cũng đang buông những tiếng thở dài cho thân phận bị xã hội nhìn với con mắt ác cảm trong khi họ đang chịu nhiều trói buộc, không được quyền tự chủ, tự do kinh doanh lại phải gánh nhiều trọng trách: giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, là công cụ ổn định vĩ mô, là thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện chính sách an sinh xã hội…

Tháng trước, tại Hội nghị trực tuyến của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam buồn rầu nói về việc DNNN đang bị xã hội nghi ngờ mà quên đi những đóng góp không nhỏ của khối này trong những năm qua. Tập đoàn Cao su cũng vậy. Nhớ lại hơn chục năm trước, miền Tây Bắc cực kỳ khó khăn, kinh tế tư nhân không đến đây, thì Tập đoàn Cao su đã xông pha đầu tư. Không chỉ ở Tây Bắc, vì mục tiêu quốc phòng an ninh, Tập đoàn đã tiến sang cả Lào và Campuchia… Ngày qua ngày, năm qua năm, những khoản đầu tư của tập đoàn đã giúp những mảnh đất này thay đổi, kinh tế phát triển, người dân bớt nghèo. Tập đoàn Cao su vốn được nghĩ là sẽ khó cổ phần hóa nhất nhưng lại là tập đoàn quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn nhất và đã đạt được những kết quả bất ngờ...

Cũng cùng tâm trạng, ông Hoàng Đức Sơn - Phó bí thư Đảng ủy VNPT phân trần, VNPT hay các DNNN không chỉ tham gia sản xuất, kinh doanh với vai trò dẫn dắt, mà còn làm cả nhiệm vụ chính trị như ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát, quốc phòng an ninh. Nhưng nói đến DNNN, nhiều người lại nghĩ ngay đến những yếu kém, làm ăn thua lỗ… “Cần có cái nhìn thiện chí hơn đối với khu vực DNNN, cùng với đó là cơ chế chính sách rõ ràng, đầy đủ để DNNN hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng”, ông Sơn thổ lộ.

Ngay cả những chuyên gia vốn không ủng hộ quan điểm coi DNNN là lực lượng chủ đạo và luôn chỉ ra những mặt chưa được của DNNN như TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiện cũng đang rất cảm thông với tình trạng hiện nay của các DNNN. Cũng bởi là công cụ ổn định vĩ mô, khi giá thị trường lên thì DNNN phải giảm giá, và ngược lại. Như vậy DNNN thì bị đè nén còn thị trường bị đảo lộn, bị méo mó. EVN là một ví dụ điển hình.

“DNNN cần được giảm bớt nhiệm vụ như nhiệm vụ ổn định vĩ mô, nhiệm vụ an sinh xã hội, chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ chính là kinh doanh. Nếu muốn DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ lo cho xã hội thì Nhà nước phải đặt hàng DNNN”, ông Cung lên tiếng.

Không để cái gì cũng chạy đi xin

Bên cạnh đó những khoảng trống, những khoảng vênh, những sự chồng chéo và rắc rối thiếu minh bạch trong khuôn khổ pháp lý, trong cơ chế và chính sách vẫn là đang tạo ra rủi ro lớn, vẫn rất nặng xin - cho khiến cho DN nản lòng nhưng lại là mảnh đất cho một số người lạm dụng, cố giữ đặc quyền đặc lợi không muốn đổi mới.

Một vị thành viên khác của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - người cũng luôn thẳng thắng phê phán DNNN kém hiệu quả và luôn nêu quan điểm DNNN không thể giữ vai trò chủ đạo là PGS.TS.Trần Đình Thiên. Thế nhưng PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần công bằng và sòng phẳng với DNNN, cần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế và trả cho DNNN quyền tự chủ.

Cho rằng không thể kéo dài thể chế như hiện nay - một thể chế mà “không làm không sai, không làm không bị sao, cầm chừng thì an toàn, sáng tạo thì rủi ro” đã khiến lãnh đạo DNNN đang trong tâm trạng thủ an. Đây cũng là lý do đầu tư công chững lại, cổ phần hóa thoái vốn rất “từ từ, thận trọng”... PGS.TS. Trần Đình Thiên nói rằng tình trạng này còn tiếp diễn đất nước sẽ không phát triển được.

Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cuối tuần trước, Thủ tướng chia sẻ khó khăn với DNNN và cũng thúc ép DNNN đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thủ tướng yêu cầu “các cơ quan quản lý kể cả DNNN phải nhanh nhạy hơn và nhất trí quan điểm trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực. Không để cái gì cũng chạy đi xin”.

Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, đúng kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.

Thủ tướng đã nhấn mạnh “lớn mạnh của DNNN của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ để giải quyết các thách thức phát triển kinh - tế xã hội mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà chúng ta đang đặt ra trong quá trình chiến lược phát triển của đất nước”.

Linh Linh

Tin đọc nhiều