Doanh nghiệp nhựa có nhiều cơ hội

11:00 | 07/10/2019

Tại thị trường nội địa, nhựa là ngành có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, từ 16% – 18% và chỉ đứng sau 2 ngành viễn thông và dệt may, đây còn được xem là ngành kinh tế năng động, có tiềm năng lớn.

5 rào cản và 3 chiến lược ưu tiên cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện nay đây là một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu và nội địa đều được đánh giá còn nhiều tiềm năng và cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Thời gian qua, các doanh nghiệp ngành nhựa đã chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị mới, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường… và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

doanh nghiep nhua co nhieu co hoi
Tại thị trường nội địa, nhựa là ngành có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây

Tại thị trường nội địa, nhựa là ngành có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, từ 16% – 18% và chỉ đứng sau 2 ngành viễn thông và dệt may, đây còn được xem là ngành kinh tế năng động, có tiềm năng lớn. Điều này cũng dễ hiểu bởi thị trường tiêu thụ rộng lớn, là ngành sản xuất còn non trẻ, chỉ mới bước đầu phát triển so với thế giới, trong khi sản phẩm nhựa được sử dụng rộng trong nhiều lĩnh vực đời sống (nhựa bao bì, vật liệu xây dựng, gia dụng và nhựa kỹ thuật cao…).

Số lượng doanh nghiệp nhựa hiện cũng rất đông đảo với trên 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn (trên 85%) là doanh nghiệp nội. Doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn tuy chưa nhiều, nhưng chất lượng sản phẩm cao và có một số thương hiệu nổi tiếng có thể kể đến như Tiền Phong, Bình Minh, Đông Á. Đặc biệt, trong mảng vật liệu xây dựng nhựa, tại thị trường nội địa thì Đông Á chiếm đến 25% thị phần tiêu thụ. Nhóm sản phẩm nhựa phục vụ ngành công nghiệp trang trí nội, ngoại thất, quảng cáo (tấm ốp trần, tấm mica, tấm Fomex…) của doanh nghiệp trong nước hiện đã cạnh tranh vượt trội so với hàng Trung Quốc, khẳng định được chất lượng với người tiêu dùng và các nhà thầu xây dựng…

Riêng mảng nhựa gia dụng, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt (như Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Việt Á, Huy Phúc Chợ Lớn…) cũng từng bước gìm được sự “bành trướng” của hàng nhựa Thái Lan, đã từng tràn ngập thị trường Việt. Hiện nay sản phẩm nhựa gia dụng Việt chiếm đến 85% thị phần tiêu thụ trong nước.

Không chỉ phát triển thị trường trong nước, nhờ mức tăng trưởng cao, với những cơ hội lớn đến từ nền kinh tế hội nhập của Việt Nam, doanh nghiệp ngành nhựa đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao thông qua việc hợp tác thương mại.

Cụ thể, Nhựa Đông Á đã có nhiều đối tác nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản đầu tư và liên kết xuất nhập khẩu sản phẩm. Ngoài ra, hiện tại Việt Nam ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, mang đến cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nhựa. Mặt khác, nhiều đối tác đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ và các ưu đãi về thuế. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản vẫn ở mức cao, và khách hàng tại các quốc gia này ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam.

Với những lợi thế trên, Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa Việt Nam. Thông qua các triển lãm hội chợ trong và ngoài nước, nhiều nhà đầu tư cũng như các tập đoàn máy móc công nghiệp trong lĩnh vực chế biến nhựa đã tiếp cận doanh nghiệp Việt để cung cấp máy móc thiết bị hoặc tìm nhà phân phối tại Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp ngành nhựa tiến lên một bước, khai thác nhiều tiềm năng còn phía trước.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều