Doanh nghiệp nhún nhường, hai bên cùng lợi

13:01 | 06/06/2012

Không phải cứ có ràng buộc pháp lý là quyền lợi của người nông dân được đảm bảo. Những ngày đầu tháng 3/2012, hàng trăm hộ trồng mía thuộc nhiều tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định, Ninh Thuận… đã thiệt hại hàng triệu đồng do các nhà máy đường thu mua chậm.

Thiếu tiếng nói chung, cả doanh nghiệp và nông dân đều chịu thiệt

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân, lãnh đạo một số DN tỏ ra rất ngại khi nói về vấn đề này. Thừa nhận “thích” làm việc với bên trung gian hơn, giám đốc một DN chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, tuy chi phí có cao hơn so với việc tiếp cận trực tiếp nguồn thu mua nguyên liệu, song lại giảm bớt được rất nhiều thời gian và công sức thu mua.


Ảnh: BĐT

“Người nông dân thường ít hiểu biết về các hình thức giao dịch qua hợp đồng nên đàm phán rất mất thời gian. Hơn nữa đa phần họ vẫn giữ thói quen “đứng núi này trông núi nọ”, khiến DN nhiều phen “chết đứng”, vị này cho hay. Chẳng hạn, đến mùa thu hoạch, giá nông sản thường cao hơn so với giá DN ký kết hồi đầu vụ, nên nhiều hộ ngầm bán cho các đại lý hay tư thương để ăn chênh lệch cao hơn. Bên cạnh đó, vì phải thu mua lẻ tẻ từ nhiều hộ nên nguồn hàng thường không đảm bảo, chưa kể chất lượng nông sản cũng thất thường và không đồng đều, khiến DN rất mất thời gian chọn lọc.

Nhiều chủ DN trong lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản cũng thường đổ lỗi rằng, vì người nông dân mà dù rất muốn liên kết trực tiếp, DN vẫn phải tìm đến các đầu nậu. Họ cho hay, hình thức mua bán qua hợp đồng với nông dân cũng được DN áp dụng từ lâu, song cuối cùng đều đổ bể vì không đạt được kỳ vọng của DN.

Thế nhưng, câu chuyện thực tế xoay quanh cây mía lại cho thấy không phải cứ có ràng buộc pháp lý là quyền lợi của người nông dân được đảm bảo. Những ngày đầu tháng 3/2012, hàng trăm hộ trồng mía thuộc nhiều tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định, Ninh Thuận… đã thiệt hại hàng triệu đồng do các nhà máy đường thu mua chậm, khiến mía chất đống hàng tháng trời, trữ đường giảm, mía có nguy cơ biến thành củi. Một số doanh nghiệp sau đó có bù đắp bằng hình thức hỗ trợ thu mua, song mức hỗ trợ chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại của bà con. Ngay như những ngày gần đây, một số nhà máy cũng liên tục dọa giảm giá thu mua mía, khiến nông dân ngao ngán, số ít người dù bức xúc lắm cũng chỉ dám… dọa trồng cây khác để thay thế, vì không thể chịu được sự “sớm nắng chiều mưa” của các DN sản xuất đường.

Không thể nói câu chuyện cây mía là trường hợp điển hình, song nó cũng cho thấy khá rõ nét thế thượng phong của DN trong mối quan hệ với nông dân. Ở thế bị động, nông dân luôn là người phải chịu cảnh bị ép giá dù làm việc trực tiếp với DN hay các bên trung gian. Điều này, chủ yếu do họ không chủ động được nguồn tiêu thụ, lại thiếu liên kết để bảo vệ lợi ích lẫn nhau. Bên cạnh đó, những hiểu biết về việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với DN của người nông dân cũng rất hạn chế.

Cùng chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Anh Phong - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, hợp đồng tiêu thụ nông sản vẫn là hình thức đảm bảo tối đa lợi ích của người nông dân và DN. Ông Phong khuyến cáo, muốn hợp đồng giao dịch giữa nông dân và DN thành công thì bản thân nông dân cần phải tổ chức theo hình thức các tổ nhóm, hợp tác xã... để có tiếng nói mạnh hơn. Và nhất là khi soạn thảo hợp đồng, các điều khoản phải thể hiện được tính dân chủ, minh bạch, dễ hiểu trong đó quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Đi cùng là cơ chế ràng buộc và giải quyết tranh chấp rõ ràng.

Tuy nhiên, để hợp đồng tiêu thụ nông sản thiết thực với người nông dân, thiết nghĩ các DN cũng nên cùng chia sẻ bằng cách san bớt lợi ích của mình. Chẳng hạn như vấn đề giá thu mua, thực tế là ai cũng công nhận giá nông sản ngoài thị trường luôn biến động, khiến người nông dân đến mùa thu hoạch tìm cách phá hợp đồng bán cho các đầu nậu để hưởng chênh lệch cao hơn. Thế nhưng tại sao lại đặt ra giá sàn để ép nông dân phải bán đúng giá, dù sau vụ mùa nhiều yếu tố đầu vào đã biến động rất lớn?... Để giải quyết những vấn đề này, có lẽ DN hãy là người chịu nhún nhường trước!

Trường Nguyễn

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều