Doanh nghiệp phá sản: Không đáng lo?

11:36 | 10/04/2012

Tính đến thời điểm 1/3/2012, lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29,0%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11,0%...

Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong quý 1 vừa qua có khoảng 12 nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc trong tình trạng “chết lâm sàng”. Tuy nhiên, bên cạnh những con số kém lạc quan này, lại có tín hiệu lạc quan là số đăng ký mới cũng khá cao, vì vậy chúng ta cần phải bình tĩnh trước sự “ra đi” của các công ty.

Theo Bộ Công Thương, trong quý 1 vừa qua ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất. Bằng chứng là, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước.

Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm. Tính đến thời điểm 1/3/2012, lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29,0%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11,0%...

Đặc biệt, tại một số doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực cũng gặp không ít khó khăn khi mà các đơn xuất khẩu hàng liên tục sụt giảm. Điển hình, tình hình xuất khẩu dệt may của quý I khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm ở ba thị trường chính là Mỹ, Nhật và châu Âu.

Cùng với dệt may, ngành giấy cũng là một điển hình của sự khó khăn khi mà từ đầu năm 2012, thị trường giấy thế giới không ổn định đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí về những con số hàng tồn kho và sự ngưng trệ trong sản xuất ở quý 1 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, cho rằng, hiện giá đầu vào của nhiều mặt hàng khá cao, cùng với đó việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vấn khó khăn và lãi suất còn khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, chế tạo, những công ty vừa và nhỏ…Chính vì thế, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là về vốn, lãi suất cho vay. “Tại các tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cũng đang tha thiết đề nghị có biện pháp giải cứu doanh nghiệp, vì qủa đang gặp khá nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Chính phủ và các bộ, ngành đã thấy rõ và đang trong quá trình xử lý, cố gắng kéo giảm lãi suất xuống.

Về vấn đề phá sản và chết lâm sàng của các doanh nghiệp trong quý I vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cũng cho biết: “Mặc dù trong quý 1 có đến 12.000 doanh nghiệp chết lâm sàng, giải thể, nhưng số đăng ký mới lại nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta phải bình tĩnh xem xét , tận dụng tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong khó khăn”.

Theo Yến Nhi (VnMedia)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều