Doanh nghiệp vận tải chịu trận

16:15 | 27/04/2012

Các hãng taxi, các doanh nghiệp vận tải xe tải, xe khách đều bất ngờ khi hai lần điều chỉnh tăng giá xăng chỉ cách nhau hơn một tháng (đợt 7/3 và 20/4/2012). Mỗi DN đều gặp những khó khăn riêng và họ phải tìm các giải pháp đối phó nhằm tránh bị thua lỗ.

Duy trì trong khó khăn

Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) vận tải bộ Hồng Liên (Thường Tín - Hà Nội) Lê Bá Liên cho biết, hiện HTX có 26 đầu phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa phục vụ cho các đối tác vận chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Khách hàng chủ yếu của HTX là các DN nước ngoài như vận chuyển mặt hàng, sản phẩm cho Công ty liên doanh Coca Cola, Công ty que hàn Việt Đức, Công ty dây và cáp điện Thượng Đình... từ Hà Nội đi các tỉnh. Trên thực tế, mỗi khi giá xăng tăng thì khoản chi phí dành cho hoạt động của công ty cũng tăng lên, trong khi đó các chủ hàng lại vẫn giữ mức giá vận tải như cũ.

HTX không thể dựa vào giá xăng tăng để tăng cước vận chuyển được, mà phụ thuộc hoàn toàn vào chủ hàng. Suốt 2 năm qua HTX vẫn giữ mức giá vận chuyển cũ trong khi giá xăng và các chi phí khác liên tục tăng khiến cho HTX gặp rất nhiều khó khăn. Qua mỗi lần tăng giá xăng thì hầu hết các mặt hàng thiết yếu hoặc có liên quan cũng có xu hướng tăng lên. Việc trong thời gian ngắn trong tháng 3 và tháng 4 đã 2 lần xăng tăng giá thực sự là bài toán khó cho HTX nhằm cân đối thu chi và đảm bảo hoạt động. Để tháo gỡ khó khăn của HTX chỉ còn cách họp với chủ hàng để bàn bạc thống nhất giá cước vận chuyển sao cho phù hợp.

Ảnh: MH
Nhiều hãng taxi lên kế hoạch tăng giá cước. (Ảnh: MH)

Là một DN kinh doanh vận tải hành khách từ tuyến Hà Nội - Gia Lai, thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ vận tải Khánh Hòa (Ba Đình - Hà Nội) phải chạy cầm chừng nhằm duy trì hoạt động. Theo đại diện Công ty, năm 2011 công ty luôn có trên dưới 20 xe chạy các tuyến Bắc - Nam. Nhưng từ đầu năm đến nay, công ty làm ăn không hiệu quả, nên đã cắt giảm một số tuyến và chỉ còn 3 xe hoạt động chạy tuyến Hà Nội - Gia Lai. Tuy nhiên, để giảm thiểu chi phí, các xe của công ty cũng chỉ chạy cách ngày vì lượng khách không nhiều mà chi phí, thời gian qua lại tăng lên khá cao. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây giá xăng liên tục tăng khiến chi phí hoạt động của công ty cũng tăng lên.

Từ tháng 2/2012, giá cước chạy tuyến Hà Nội - Gia Lai là 520.000 đồng/khách. Đến nay công ty vẫn giữ giá chứ không tăng giá nhằm phục vụ khách hàng. Công ty đang làm các thủ tục nhằm điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo hoạt động không bị thua lỗ.

Một số hãng taxi đã "nín chịu" để chia sẻ với cộng đồng nên chưa tăng giá, như Taxi Hương Lúa còn bù đắp phần phụ trội xăng dầu cho lái xe để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Và điều chỉnh từ từ

Việc xăng tăng giá có tác động trực tiếp và nhanh nhất chính là hoạt động của các hãng taxi. Sau đợt tăng giá xăng vào 7/3/2012, một số hãng taxi đã điều chỉnh tăng giá cước, bình quân 1.000 đồng/km, nhưng cũng có nhiều hãng giữ nguyên và chờ thời điểm. Cho đến ngày 20/4/2012 khi giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít từ 22.990 đồng/lít lên 23.800 đồng/lít, thì một số hãng taxi đã lên kế hoạch điều chỉnh giá cước.

Sau đợt tăng giá xăng ngày 7/3 thì ngay ngày 10/3, hãng taxi Mai Linh đã điều chỉnh tăng giá cước. Ngày 25/3/2012, Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc đã chính thức áp dụng mức giá mới đối với từng loại hình xe taxi. Ví dụ đối với dòng xe Innova J, Zace có mức giá điều chỉnh so với giá ngày 10/3 là từ 14.500 đồng lên 15.200 đồng/km từ km tiếp theo đến km 25. Với dòng xe Kia Morning tăng từ 12.000 đồng lên 12.200 đồng/km.

Ông Đào Vũ Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc cho rằng, khi giá xăng tăng khiến các chi phí hoạt động tăng cao và công ty phải bù lỗ các khoản phát sinh. Bởi vậy công ty phải điều chỉnh lại giá cước mới áp dụng từ ngày 25/3/2012 và ra thông báo gửi tới các khách hàng.

Cảm thông với các đơn vị vận tải trong hoàn cảnh giá xăng tăng liên tục trong một thời gian ngắn như vừa qua, song Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội vẫn kêu gọi các đơn vị vận tải nên bình tĩnh khi quyết định điều chỉnh tăng giá cước.

Mặc dù đợt tăng giá xăng dầu lần này các đơn vị vận tải tuyến cố định cũng chưa có ý định tăng giá, nhưng Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, các đơn vị tăng giá đợt vừa qua cố gắng kiềm chế và chỉ điều chỉnh khi giá xăng vượt quá 24.000 đồng/lít.

Trong Thông báo mới đây của Hiệp hội vận tải Hà Nội gửi các DN trong Hiệp hội có nêu rõ: Giá xăng dầu tăng việc điều chỉnh giá cước vận tải là việc làm hợp lý của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên biên độ tăng giá xăng lần này không vượt quá 10% nên Hiệp hội đề nghị với các doanh nghiệp bình tĩnh trong việc điều chỉnh giá cước vận chuyển. Theo đó, đối với xe chạy tuyến liên tỉnh, việc điều chỉnh giá vé tuyến cố định thủ tục rất phức tạp như phải thu hồi và hủy vé cũ, in vé mới, phải trình tự đăng ký với các cơ quan quản lý giá, do đó mỗi lần điều chỉnh giá vé các đơn vị phải cân nhắc kỹ lưỡng. Chỉ khi các yếu tố đầu vào quá cao, các đơn vị tuyến cố định mới điều chỉnh giá. Đối với vận tải hợp đồng, du lịch và hàng hóa các chủ xe cần hiệp thương với khách hàng để điều chỉnh giá cước một cách hợp lý.

Hiệp hội đề nghị với các đơn vị cố gắng lùi lại một thời gian, đợi đến trước ngày 30/5/2012 nếu xăng dầu không giảm thì cộng khoản tăng của xăng dầu với phí bảo trì đường bộ để tăng cước vận tải một cách hợp lý.

Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều