Doanh nghiệp vận tải lao đao vì phí

16:33 | 23/04/2012

Thời hạn thu phí bảo trì đường bộ (có hiệu lực từ 1/6/2012) đang đến gần, DN kinh doanh vận tải rục rịch tăng giá cước... đối phó với tình trạng "phí chồng lên phí" như hiện nay.

Theo Dự thảo thu phí bảo trì đường bộ vừa được Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thành, việc thu phí bắt đầu từ 1/6/2012. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải chia xe ô tô thành 8 nhóm căn cứ theo trọng tải xe, với mức thu thấp nhất 180.000 đồng/tháng, cao nhất 1.440.000 đồng/tháng. Xe máy được chia thành 4 nhóm căn cứ theo dung tích xi lanh với mức thu từ 80-180.000 đồng/năm.

Ảnh: BĐT
Khi có thêm phí mới phải đóng, DN buộc phải điều chỉnh giá cước.
(Ảnh: BĐT)

Với việc thu phí bảo trì đường bộ, DN kinh doanh vận tải hàng hóa là đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ chủ trương này. Bởi, theo quy định xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên phải nộp 1.440.000 đồng/tháng. Tương tự, sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên 1.044.000 đồng/tháng... Còn sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ dưới 27 tấn là 720.000 đồng/tháng. Trong khi, DN vận tải ô tô hiện nay đang phải chịu rất nhiều loại thuế và phí. Ngoài thuế nhập khẩu ô tô, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế thu nhập DN... các DN còn phải chịu hàng loạt phí khác như: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí bình ổn giá xăng dầu, phí kiểm định ô tô.

Công ty Thương mại - Dịch vụ vận tải Kim Ngọc Tài (Đà Nẵng) - DN chuyên vận tải hàng hoá ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có hàng chục đầu xe các loại. Bà Tôn Nữ Ái Hoa - Giám đốc công ty chia sẻ: Với hình thức thu đối với ô tô vẫn quy định tại một đầu mối là các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (thu phí ngay khi cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường). Tuy nhiên, trong thực tế có thể một số phương tiện bị hư hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn, tạm giữ, xe vận chuyển nội bộ trong các khu công nghiệp… không tham gia sử dụng đường bộ nhưng vẫn phải nộp phí thường xuyên là không phù hợp. Hoặc, cũng có thể nảy sinh những trường hợp không đưa xe đi đăng kiểm, sẵn sàng "làm luật" khi lưu hành...

Với việc thu phí bảo trì đường bộ, những DN vận tải hàng hoá lớn có số lượng lớn xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc, thì số tiền phải đóng phí có thể lên đến cả hàng trăm triệu đồng/tháng. Một con số không hề nhỏ đối với DN trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Thêm phí, DN càng lâm vào khó khăn. Để đối phó với tình trạng "phí chồng lên phí", nhiều DN vận tải đang rục rịch chuẩn bị tăng giá cước. Ông Võ Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương Đà Nẵng cho biết: Tránh tình trạng DN làm ăn thua lỗ, phải bán xe, hay chuyển đổi ngành nghề kinh doanh... sau thời điểm các văn bản có hiệu lực, DN buộc phải tăng giá cước. Khi có thêm phí mới phải đóng, chắc chắn sẽ cân nhắc điều chỉnh giá cước. Điều này, dẫn đến cái vòng luẩn quẩn: Thêm phí, DN tăng giá, cuối cùng người dân gánh chịu hậu quả.

Hồng Xuân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều