Doanh nghiệp xuất khẩu "nội" đuối sức

10:47 | 06/04/2012

Năm 2011, Việt Nam đạt kim ngạch thương mại hai chiều vượt 200 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.Nhưng trong tăng trưởng thương mại liên tục ở mức cao nhiều năm gần đây, yếu tố ngoại ngày càng chi phối. "Có thể chấp nhận doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong xuất khẩu, hay doanh nghiệp trong nước phải được hỗ trợ để vượt lên?", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên lưu ý tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2012,diễn ra sáng 5/3.

Năm 2011, Việt Nam đạt kim ngạch thương mại hai chiều vượt 200 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.Nhưng trong tăng trưởng thương mại liên tục ở mức cao nhiều năm gần đây, yếu tố ngoại ngày càng chi phối. "Có thể chấp nhận doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong xuất khẩu, hay doanh nghiệp trong nước phải được hỗ trợ để vượt lên?", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên lưu ý tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2012,diễn ra sáng 5/3.

Khối "ngoại" lấn lướt

Trên số liệu thống kế, hàng loạt các mặt hàng nông sản của Việt Nam sụt giảm nặng nề về kim ngạch trong quý I/2012 do giá bán không còn tốt như năm ngoái. Trong khi đó, "nông nghiệp không thể tăng trưởng kim ngạch cao mãi được vì vướng sản lượng", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức nêu thêm góc nhìn khác. Với bối cảnh ấy, phía các sản phẩm công nghiệp chế biến trở thành "cứu tinh" cho hoạt động xuất khẩu quý I năm nay.

Tuy nhiên sự tăng trưởng xuất khẩu gắn với công nghiệp chế biến, cũng có nghĩa là gắn với khối doanh nghiệp FDI. Theo con số được Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên dẫn chứng, nếu loại trừ dầu thô, kim ngạch xuất khẩu quý I/2012 của khu vực trong nước gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt dưới mức 9 tỷ USD. Ngược lại, khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng tới gần 50% so với cùng kỳ, đạt gần 14 tỷ USD.


Các hiệp định FTA đang phát huy hiệu quả cao trong việc giúp những mặt hàng thế mạnh của DN nội trở nên dễ cạnh tranh hơn. (Ảnh: St)

Soi chiếu vào những khác biệt giữa hai loại hình doanh nghiệp, ông Biên cho rằng sự thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI là hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước. Với yếu tố đầu vào sản xuất quan trọng nhất - vốn - các doanh nghiệp FDI có sự hậu thuẫn của công ty mẹ, được tiếp cận có phần dễ dãi hơn, với lãi suất thấp hơn nhiều. Trong khi ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vay với lãi suất khá cao khiến cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội bị ảnh hưởng.

Hay với khâu có giá trị gia tăng cao hơn là tiếp cận thị trường và phân phối sản phẩm, các doanh nghiệp FDI thường tổ chức được chuỗi liên hoàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia có cơ xưởng tại Việt Nam, kinh nghiệm thị trường là một thuận lợi rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều xáo trộn hiện nay. Điều mà các doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu và yếu, lại càng khó khăn hơn trong giai đoạn nhiều thị trường mục tiêu gặp khó khăn kinh tế.

Cơ hội đến từ mở rộng FTA

"Việc tận dụng lợi thế từ các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia của các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc…", Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho hay. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, riêng với Hàn Quốc, hiện nay có tới hơn 91% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này được hưởng ưu đãi thuế quan, là tỷ lệ cao nhất trong các khu vực FTA mà Việt Nam tham gia.

Các hiệp định FTA cho thấy đang phát huy hiệu quả cao, giúp những sản phẩm mà doanh nghiệp "nội" có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản… trở nên dễ cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác. Đó cũng là lý do khiến hàng loạt đàm phán thương mại để mở đường cho hàng Việt Nam xuất khẩu đã được triển khai trong thời gian gần đây.

Mới nhất là việc Ủy ban châu Âu (EU) và Việt Nam bắt đầu đàm phán chính thức về Hiệp định thương mại tự do, sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam có được lợi thế từ việc nhập khẩu chất lượng cao và tăng việc chuyển giao công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu và sức cạnh tranh về dài hạn.

Cũng không lâu trước đó, Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn đàm phán và ký Hiệp định FTA với Chi lê. Theo đó, quốc gia tại khu vực Mỹ Latinh này sẽ xóa bỏ hoàn toàn 99,62% số dòng thuế trong thời gian 10 năm, trong đó có 83,54% số dòng thuế được điều chỉnh về 0% ngay lập tức, tương ứng với tỷ lệ khoảng 81,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Nhưng, "vấn đề cốt tử vẫn là khả năng cạnh tranh của hàng hóa, trong đó quan trọng là phải lựa chọn phân khúc sản phẩm phù hợp với lợi thế lao động rẻ và có kỹ năng của Việt Nam", Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ Nguyễn Duy Khiên lưu ý các doanh nghiệp.

Diệu Phúc

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều