Có một thực tế, nhiều DN nhỏ hoặc mới khởi nghiệp than phiền rằng rất ít khi tiếp cận được vốn với các NH lớn, chỉ một số ít NH nhỏ chào đón, tất nhiên là với lãi suất cao hơn. Và hiện nay khi các NH nhỏ bị hợp nhất, sáp nhập, rất nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ lo ngại họ không biết tìm vốn ở đâu?
Thực ra, các DN băn khoăn có lý do vì thời gian qua rất nhiều thông tin trái chiều về việc DN không tiếp cận được vốn NH. Hoặc có tiếp cận nhưng lãi suất quá cao khiến các DN không theo nổi. Song, với một số lãnh đạo NH, có điều các DN chưa hiểu hết vì NH lớn hay nhỏ, họ đều thiết kế những sản phẩm chuyên biệt phục vụ từng đối tượng cụ thể. Chỉ cần DN có nền tảng, dịch vụ NH lập tức đến tay, kể cả DN vay với tư cách cá nhân. Họ phục vụ tất cả từ lớn đến bé, miễn là đáp ứng đủ tiêu chí và khẩu vị rủi ro.
Đơn cử, Nam A Bank đang triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%-8%/năm để thanh toán tiền hàng hóa, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Tính riêng gói sản phẩm này, Nam A Bank cấp hạn mức khoảng 500 tỷ đồng. Thời gian triển khai quy định rõ từ ngày 13/1/2015 đến ngày 30/6/2015 hoặc đến khi hết hạn mức của chương trình. Thời hạn vay tối đa đa 6 tháng.
Viet Capital Bank cũng vậy, từ đầu năm 2015, Viet Capital Bank triển khai chương trình Ưu đãi lãi vay DN với mức lãi suất 6,5%/năm. Sản phẩm này của Viet Capital Bank dành 1.000 tỷ đồng cho các DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp giải pháp linh hoạt về vốn lưu động, giảm áp lực trả lãi cho DN. Thời gian ưu đãi linh động theo thời gian nhận nợ của DN.
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, một số NH còn đưa ra nhiều ưu đãi riêng về phí phạt, thủ tục, giải ngân nhanh… để kéo khách. Chẳng hạn HDBank cho biết một chương trình ưu đãi với lãi suất “sốc” chỉ 3,8%/năm trong 6 tháng đầu đang được NH triển khai. Nếu khách hàng trả nợ trước hạn trong 2 năm sẽ không bị phạt, NH chỉ thu hồi khoản lãi suất ưu đãi. Đây có thể xem là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường tại thời điểm này.
Với lợi thế là NH lớn, các NH khác như Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB… còn khẳng định họ đang nỗ lực tiết giảm chi phí để kéo giảm thêm lãi suất cho vay trung dài hạn xuống từ 1%-1,5%/năm so với mức hiện tại khoảng 9%/năm. Điều này cho thấy, các NH đều có những sản phẩm rất phù hợp cho khách hàng, quan trọng là DN có chịu tìm hiểu và nhận ưu đãi hay không.
Nói về vốn cho DN nhỏ/khởi nghiệp, một lãnh đạo NH chia sẻ, thực ra thị trường đang tồn tại một vấn đề là: những DN khỏe, dòng tiền ổn định thì không vay. Ngược lại, một bộ phận lớn DN nghèo, mới khởi nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mở rộng sản xuất kinh doanh. Với NH, các đối tượng DN đều có quyền tiếp cận nguồn vốn NH khi có nhu cầu, song NH cũng phải cho vay có kiểm soát để có thể thu hồi được nợ, hạn chế nợ xấu phát sinh.
“Nói vậy không có nghĩa là DN nhỏ không có tài sản đảm bảo thì không có cửa tiếp cận vốn NH, chỉ cần có phương án kinh doanh khả thi, các DN nhỏ/ khởi nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các NH cũng như các quỹ đầu tư. Ví dụ, DN có tỷ suất lợi nhuận cao trên 10% có thể vay vốn với mức lãi suất hiện tại”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Cùng quan điểm, một lãnh đạo NH của Techcombank cho biết, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của mình, chủ DN nên nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính của DN; Nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DN; Cởi mở với NH các thông tin về DN và chủ DN. Ngoài ra, còn cần có sự cam kết của chủ DN trong việc thực hiện các phương án kinh doanh và vay vốn; Vốn tự có tham gia; tài sản bảo lãnh của chủ DN. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng, đó là DN cần tìm hiểu kỹ về các sản phẩm/dịch vụ/nơi giao dịch của NH trước khi đề xuất vay; đồng thời tham gia vào các chuỗi tài trợ của NH.
Nhìn chung, các NH lớn ở Việt Nam đều có thành tích nghèo nàn trong việc tài trợ cho DN khởi nghiệp. Song nếu DN có thể chứng minh được tính khả thi của dự án, khả năng trả nợ thì NH sẽ tranh nhau cho vay chứ không phải chần chừ.
Lam Anh