Đón đầu xu hướng phát triển mới

09:37 | 18/09/2015

 Trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang tái cơ cấu mạnh mẽ, việc nhiều ngân hàng vẫn mạnh tay chi lương, thưởng cho nhân viên, cũng như tích cực tuyển thêm người đang dự báo xu hướng phục hồi trong tương lai. 

Tăng lương, tuyển thêm người

Sau giai đoạn khó khăn, nền kinh tế vĩ mô đang có những điểm sáng ấn tượng. Ngành Ngân hàng cũng trên đà phát triển từ hiệu ứng mạnh mẽ của tiến trình tái cấu trúc Ngành đang đi đúng hướng. Để phục vụ cho chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, nhiều ngân hàng đã chú trọng đến vấn đề trả lương, thưởng cho nhân viên như một cách đầu tư mang lại hiệu quả cao và bền vững nhất.

Ngoài ra, môi trường làm việc tốt, cơ hội được đào tạo cũng như khả năng thăng tiến cũng được các ngân hàng đặc biệt chú trọng.

don dau xu huong phat trien moi
Tăng lương, tuyển thêm người: nhiều ngân hàng đang lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian qua

Những yếu tố này đã giúp ngành Ngân hàng thu hút được một lượng nhân sự giỏi trong nhiều năm qua. Hàng loạt chương trình tuyển dụng trên thị trường cho thấy nhu cầu “nóng” từ cả các ngân hàng có vốn nhà nước lớn như VietinBank, Vietcombank đến những ngân hàng TMCP mạnh như Techcombank, HDBank, Sacombank…

Tại một ngân hàng đã tiến hành sáp nhập tự nguyện thành công là HDBank, năm 2013, số lượng nhân viên là 3500 người. Đến năm 2015, để phục vụ cho chiến lược phát triển, số lượng nhân viên toàn hệ thống HDBank tăng lên 5500 nhân viên. 8 tháng đầu năm 2015, HDBank tuyển thêm 800 người.

Tuyển thêm nhân sự, HDBank đồng thời cũng tăng quỹ lương để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho CBNV. Năm 2013, thu nhập bình quân của CBNV là 9,8 triệu đồng/tháng. Năm 2015, con số này tăng lên 10,5 triệu đồng/tháng.

Dịp Tết 2015, HDBank dành tới 50 tỷ đồng thưởng Tết, trong đó cá nhân xuất sắc nhất được lĩnh tới 18 tháng lương. Các chế độ phúc lợi khác được quan tâm như hỗ trợ CBNV vay vốn ưu đãi lãi suất; chăm lo đời sống tinh thần cho nhân viên qua các kỳ hội thao, hội diễn văn nghệ...

Trong khi đó, quỹ lương thưởng dành cho HĐQT và Ban điều hành của HDBank sau M&A so với các nhà băng khác hiện không phải là cao. Năm 2014, Quỹ hoạt động của HĐQT là 20 tỷ đồng đã bao gồm các ngân sách công tác xã hội và cộng đồng. Trong đó, thu nhập tính thuế của các thành viên HĐQT chỉ 10,878 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên ở mức 1,788 tỷ đồng.

Câu chuyện dài của nhiều ngân hàng

Lương và nhân sự luôn là đối tượng nhạy cảm nhất trước sự tác động của chính sách. Nói về vấn đề này, cách đây vài năm, một chuyên gia kinh tế đã nhận định: “Thách thức lớn nhất hiện nay khi hội nhập đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải là vốn điều lệ, không phải là công nghệ, số nợ tồn đọng... mà chính là con người đang làm việc tại các ngân hàng và cơ chế khuyến khích họ làm việc”.

Sau giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, các ngân hàng đã cơ bản xử lý nợ xấu, ổn định hệ thống và bước sang giai đoạn mới hướng tới việc phát triển hệ thống và nâng cao năng lực, mà theo Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ còn lại khoảng 15- 20 ngân hàng lớn mạnh. Sự phát triển toàn diện của các ngân hàng trong thời gian gần đây liên quan tới làn sóng M&A cũng như để phục vụ cho chiến lược phát triển này.

Bên cạnh đó, lợi nhuận các ngân hàng có được một phần nhờ vào tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây cũng là yếu tố tích cực thúc đẩy các ngân hàng tuyển nhân sự cũng như gia tăng phúc lợi cho nhân viên.

Tính đến ngày 31/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 10,23% so với cuối năm 2014, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Con số khả quan này có thể đã dự báo cho tín hiệu phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.

Phan Tú

Tin đọc nhiều