Ảnh minh họa |
Chị Khánh Linh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) - một khách hàng ưa thích thanh toán bằng thẻ tín dụng cho biết, hình thức thanh toán này rất hữu ích và tiện lợi. Chị thường quẹt thẻ để mua sắm đồ dùng hàng ngày, mua trái cây ở siêu thị, trả tiền điện, nước qua các app liên kết bằng thẻ tín dụng. Hầu hết các ngân hàng giờ đều có chương trình miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng, hoàn tiền khi sử dụng dịch vụ.
Vừa thanh toán mua điện thoại qua thẻ tín dụng, anh Tuấn Linh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chia sẻ, thẻ không chỉ có độ bảo mật cao, thanh toán nhanh... mà anh còn tiết kiệm được một khoản tài chính đáng kể nhờ các gói giảm giá. Ví dụ như chiếc điện thoại anh vừa mua trên thị trường có giá 3.450.000 đồng nhưng khi thanh toán bẳng thẻ tín dụng, anh Tuấn Linh chỉ phải trả số tiền là 2.800.000 đồng, chế độ bảo hành, quà tặng cũng giống như thanh toán toán truyền thống.
Không chỉ riêng chị Khánh Linh hay anh Tuấn Linh mà còn rất nhiều người dân đang ưu tiên lựa chọn thẻ tín dụng để thanh toán. Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hầu hết các loại thẻ đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ về số lượng thẻ phát hành mới, trừ thẻ tín dụng quốc tế, ghi nợ quốc tế vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt, với mức 24%, cao hơn so với năm 2019. Cơ cấu tỷ trọng doanh số sử dụng thẻ có dịch chuyển từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế và từ thẻ ghi nợ sang thẻ tín dụng và thẻ trả trước.
Cũng theo nhìn nhận của một chuyên gia ngân hàng, thời gian qua ngành Ngân hàng luôn có các chỉ đạo các NHTM, các công ty trung gian thanh toán thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đây là cơ hội tốt để số lượng và chất lượng dịch vụ thẻ tín dụng của các ngân hàng được nâng cao, nhất là dịp mua sắm đầu năm mới.
Hiện nay, đa số ngân hàng phối hợp với các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử cũng tranh thủ thời gian đầu năm mới đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng khi sử dụng thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tích hợp tính năng hoàn tiền trên cả hai loại thẻ tín dụng và ghi nợ. Theo đó, với dòng thẻ tín dụng Visa Platinum, người dùng được hoàn 3% cho mọi giao dịch thanh toán tại POS bằng ngoại tệ với số tiền tối đa 3 triệu đồng mỗi tháng, 0,3% cho các giao dịch khác, không giới hạn số tiền hoàn.
Hay với dòng sản phẩm thẻ tín dụng Online Plus của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), khách hàng sẽ được hoàn đến 6% mọi giao dịch chi tiêu trực tuyến nước ngoài, hoàn lại 0,1% trên toàn bộ số tiền chi tiêu còn lại trong kỳ mà không phải là giao dịch thanh toán trực tuyến, hoàn tiền 3% cho các giao dịch trực tuyến còn lại. Tổng số tiền hoàn tối đa trong 1 kỳ sao kê là 600.000 đồng.
Thậm chí chọn thời điểm mở thẻ tín dụng lúc này, khách có có thể được hưởng nhiều tiện ích và ưu đãi hơn. Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa cho ra mắt dòng thẻ tín dụng mới được thiết kế cho từng nhu cầu chi tiêu của khách hàng: PVcomBank Cashback, PVcomBank Shopping và PVcomBank Travel.
Khi lựa chọn thẻ tín dụng PVcombank Shopping đi siêu thị thanh toán, khách hàng sẽ được hoàn tiền với tỷ lệ quy đổi tới 1.000 điểm cho mỗi 70.000 đồng. Trong lĩnh vực bảo hiểm, y tế, giáo dục thì thẻ PVcomBank Cashback, chỉ 50.000 đồng khách hàng đã có thể đổi được 1.000 điểm. Ngoài ra, ngân hàng còn có chính sách ưu đãi miễn phí mở mới, miễn phí thường niên năm đầu, miễn lãi tới 55 ngày…
Ngoài việc hưởng ưu đãi từ các ngân hàng, khách hàng còn được các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử cộng thêm ưu đãi trong đợt giảm giá đầu năm 2021 khi thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Ví dụ, đối với chủ thẻ tín dụng Ngân hàng HSBC, khách hàng sẽ nhận được một số ưu đãi như tặng 1 bắp và nước khi mua 2 vé xem phim 2D trên ứng dụng/ website rạp CGV cuối tuần; Giảm ngay 6% khi đặt vé máy bay hoặc phòng khách sạn trên ứng dụng Traveloka; Giảm 500.000 đồng cho đơn hàng từ 10 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, chia sẻ với Thoibaonganhang.vn, nhiều khách hàng cũng không khỏi lo lắng, khi nhu cầu mua sắm dịp đầu năm cũng lớn, nếu chạy theo các ưu đãi sẽ không tránh khỏi việc chi tiêu "quá tay".
Để kiểm soát việc chi tiêu quá tay, các chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, trước khi thanh toán khách hàng cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, phù hợp với mức chi trả của mình, nghiêm túc với kế hoạch tài chính cá nhân. Điều này không chỉ giúp khách hàng chủ động kiểm soát được khoản chi mà còn hạn chế được rủi ro không đáng có vì thanh toán tài khoản chậm hoặc mất khả năng thanh toán với ngân hàng.
Theo đó, việc sử dụng tối đa hạn mức gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính khách hàng, vì vậy chỉ nên sử dụng hạn mức thẻ tín dụng dưới 30%. Đọc kỹ các điều khoản khi sử dụng thẻ tín dụng để tối đa lợi ích, tránh được những hậu quả xấu ảnh hưởng đến tài chính và đưa ra quyết định mua sắm thông minh hơn, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến mức lãi suất, các loại phí và chu kỳ thanh toán.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, sai lầm khi sử dụng thẻ tín dụng của một số khách hàng là mở quá nhiều thẻ tín dụng. Việc mở quá nhiều thẻ cùng một lúc sẽ gây cho khách hàng nhiều rắc rối về thủ tục cũng như đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt, mức phí thường niên của thẻ tín dụng thường khá cao, do đó khách hàng nên cân nhắc kỹ khi mở nhiều thẻ, chỉ nên sử dụng tối đa 2 thẻ tín dụng.
Hương Giang