Đồng hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An

10:52 | 09/03/2015

Không chỉ đưa ra lời khuyến nghị đối với lãnh đạo tỉnh và các nhà đầu tư trên địa bàn, BIDV cho rằng Nghệ An cần có sự hỗ trợ tốt hơn từ Chính phủ. BIDV cam kết sẽ tích cực hơn nữa trong việc kết nối DN, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực tạo ra sự đột phá.

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Vừa qua, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với BIDV tổ chức Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Ất Mùi năm 2015. Đây là năm thứ 7 liên tiếp chương trình này được thực hiện tại Nghệ An.

dong hanh phat trien kinh te xa hoi tinh nghe an

Tốc độ tăng trưởng GDP Nghệ An năm 2014 đạt 7,24%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (5,98%). GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 25 triệu đồng/người, gấp 1,7 lần mức năm 2010. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại về vùng “chiếu nghỉ”, từ mức trung bình 9,7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống còn 8,39%/năm giai đoạn 2010 - 2014.

Thứ hai, một số lĩnh vực trọng điểm như xi măng, thép, thủy điện… không đạt mục tiêu đề ra, chưa tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, dự án Nhà máy xi măng 12/9 đang bế tắc; dự án sản xuất thép Kobe của Nhật Bản với giá trị 1 tỷ USD nhưng vẫn chưa triển khai do gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận với tập đoàn than khoáng sản. Hay trong lĩnh vực thủy điện, tỉnh phải dừng 16 dự án để giảm tác động môi trường.

dong hanh phat trien kinh te xa hoi tinh nghe an
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại hội nghị

Thứ ba, môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp do gặp nhiều vướng mắc. Là tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An còn khoảng 10% năm 2014 nhưng vẫn cao so với mức chung của cả nước là 8,2% và dù thoát nghèo nhưng thiếu bền vững; dễ tái nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa...

Dành nhiều tâm huyết qua tư vấn chính sách và cả nguồn vốn đầu tư cho nhiều dự án lớn của tỉnh trong suốt 7 năm qua, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV vẫn chưa yên tâm với đồng vốn bỏ ra khi Nghệ An vẫn còn quá nhiều tiềm năng bị bỏ phí. Theo ông Hà, có những việc trong “tầm tay” mà tỉnh cần làm ngay như: Chính quyền địa phương và các DN cần cùng đối thoại định kỳ để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nội dung đã cam kết từ các kỳ Hội nghị trước.

Sự đồng thuận, thống nhất ý kiến trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách tại địa phương là tối quan trọng. Nghệ An cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư…

Cần những quyết sách mới

Không chỉ đưa ra lời khuyến nghị đối với lãnh đạo tỉnh và các nhà đầu tư trên địa bàn, BIDV cho rằng Nghệ An cần có sự hỗ trợ tốt hơn từ Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ cần hỗ trợ Nghệ An hơn nữa về cơ chế để thu hút vốn đầu tư cũng như cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Cần đưa Nghệ An vào danh sách các địa phương hưởng chính sách ưu tiên trong phân bổ nguồn vốn từ Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia; vào danh mục trọng điểm Du lịch quốc gia để tỉnh có thể hưởng chính sách ưu tiên về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch.

Để mở cửa hơn nữa đón nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, BIDV kiến nghị Chính phủ cho phép Nghệ An nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương) giáp với tỉnh Boly-Khămxay thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan và Myanmar…

Về phía mình, với vai trò là đơn vị tư vấn chính sách, BIDV sẽ tiếp tục phối hợp với VASS hoàn thiện “Luận cứ khoa học cho việc phát triển đột phá kinh tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” cũng như thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, ứng dụng và hoạt động khác nhằm hỗ trợ tích cực hơn nữa cho Nghệ An trong thời gian tới.

Là định chế tài chính hàng đầu quốc gia, BIDV cam kết sẽ tích cực hơn nữa trong việc kết nối DN, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực tạo ra sự đột phá.

Tới đây BIDV sẽ xúc tiến việc thu xếp chuyển nhượng vốn tại Nhà máy xi măng Dầu khí Anh Sơn nhằm nhanh chóng tái cơ cấu lại hoạt động của đơn vị này; kêu gọi vốn đầu tư cho dự án xây dựng đường trung tâm TP Vinh - thị xã Cửa Lò tổng mức đầu tư dự kiến 4.200 tỷ đồng theo hình thức BOT, PPP; Tư vấn quy hoạch và kêu gọi đầu tư dự án Công viên khoa học trên địa bàn Nghệ An theo hình thức PPP.

Đối với hoạt động cấp tín dụng, BIDV sẽ ưu tiên tín dụng hỗ trợ “tăng trưởng xanh”, tập trung cho các ngành được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu, công nghệ thông tin, du lịch... BIDV sẽ thiết kế gói tín dụng trung dài hạn quy mô 20.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất, thời hạn khoản vay, phương thức trả gốc linh hoạt đối với các DN có các dự án đầu tư khả thi vào các lĩnh vực trên.

Ngay tại hội nghị, BIDV đã ký 4 thỏa thuận cấp tín dụng cho các khách hàng với tổng mức vốn thu xếp là 9.100 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, BIDV cam kết sẽ tham gia tích cực hơn nữa các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, y tế và giáo dục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa hóa địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái. Tại buổi gặp mặt này, BIDV đã trao tặng UBND tỉnh Nghệ An gói hỗ trợ chương trình đào tạo nâng cao kiến thức hội nhập cho các cán bộ công chức trẻ với giá trị 10 tỷ đồng.

An Bình

Tin đọc nhiều