Động lực mới cho tăng trưởng

18:47 | 04/05/2012

* Trong bối cảnh đầu tư và tiêu dùng đều sụt giảm, xuất khẩu là nhân tố hỗ trợ tăng trưởng rất đáng kể

Sau 25 năm mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đến lúc này có thể khẳng định sự đúng hướng của chủ trương trên, khi nhìn vào đóng góp ngày càng quan trọng của hoạt động xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Rất rõ ràng, khi tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay của nước ta tương đương khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP), nếu không mở rộng thị trường quốc tế thì rất khó để tăng trưởng nhanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập của người lao động.

Ngay trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu dồn dập tác động đến nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng GDP tiếp tục chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2011, tăng trưởng kinh tế đạt 5,89%, nhưng đóng góp của chênh lệch xuất nhập khẩu vào GDP là 5,88%. Điều đó cho thấy trong bối cảnh chính sách tài khóa, tiền tệ phải thắt chặt để kiềm chế lạm phát khiến hoạt động đầu tư và tiêu dùng đều sụt giảm, thì xuất khẩu là nhân tố hỗ trợ tăng trưởng rất đáng kể.

Ảnh: MH
Dệt may vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: MH)

Sang đến quý I/2012, tăng trưởng kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng kéo dài từ năm trước, khiến cho 2.200 doanh nghiệp giải thể, phá sản và khoảng 9.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng rất cao và đóng góp lớn vào GDP. Tổng thu nhập quốc dân trong quý I/2012 ước tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó chênh lệch xuất nhập khẩu đã đóng góp tới 3,34%, chiếm tới 83,38% trong tăng trưởng GDP.

Lực lượng sản xuất quan trọng đi cùng quá trình hội nhập của Việt Nam là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ngày càng tăng tỷ trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước. Gần 14 nghìn dự án với vốn đăng ký khoảng 200 tỷ USD, tính đến nay các doanh nghiệp FDI đầu tư với định hướng xuất khẩu đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu.

Cũng số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt trên 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) lên tới gần 20,7 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng thêm khoảng 8 tỷ USD. Đáng chú ý là tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tới gần 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mức cao nhất từ trước tới nay (những năm gần đây tỷ trọng chiếm khoảng 56-58%).

Khu vực doanh nghiệp FDI cũng góp phần giảm thâm hụt thương mại qua việc liên tục xuất siêu trong nhiều năm gần đây. Trong 4 tháng qua, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 3,4 tỷ USD thì khu vực FDI lại xuất siêu tới trên 3,2 tỷ USD. Với kết quả này, nhập siêu trong 4 tháng đầu năm 2012 ước chỉ khoảng 176 triệu USD, giảm mạnh so với cùng kỳ 2011 (gần 4,9 tỷ USD). Còn nếu so với kim ngạch xuất khẩu, mức nhập siêu trong 4 tháng qua chưa đến 1%, rất thấp so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm nay, khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhìn lại diễn biến xuất nhập khẩu trong thời gian gần đây, tình trạng nhập siêu đang từng bước được cải thiện, góp phần làm giảm tình trạng căng thẳng ngoại tệ và giữ ổn định tỷ giá trên thị trường. Theo dõi diễn biến nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng, ước kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2012 vào khoảng 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 7% tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2011, cho thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu đã thu hẹp lại so với trước đây và người dân bắt đầu chuyển sang sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu.

Như vậy, các chuyển dịch kinh tế khi tăng mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu đang rút ngắn dần khoảng cách kim ngạch hai chiều, hạn chế dần nhập siêu. Sự "bừng tỉnh" của nhiều ngành sản xuất trong giai đoạn vừa qua cũng đang kéo người tiêu dùng trở lại sử dụng hàng hóa trong nước. Và xét ở góc độ đóng góp lớn nhất cho xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI ngày càng chứng tỏ là một nhân tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với công nghệ mới, nguồn vốn lớn và trình độ quản trị cao, khu vực doanh nghiệp này đang góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Vũ Anh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều