Dự báo thiếu đường cần xem lại

14:02 | 07/06/2012

"Không hỗ trợ lãi suất cho vay mua tạm trữ đường. Việc Chính phủ không đồng ý biện pháp này không chỉ căn cứ vào đề xuất của Bộ Công Thương mà có cả ý kiến của Bộ Tài chính và NHNN."- Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước trả lời phỏng vấn TBNH.

Tại sao Bộ Công Thương “bác” đề xuất xin tạm trữ 200 nghìn tấn đường?

Từ tháng 3/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Chính phủ xin tạm trữ 200 nghìn tấn đường. Ngày 28/5/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3760 gửi các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và NHNN thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải không áp dụng hỗ trợ lãi suất vay để mua tạm trữ đường. Việc Chính phủ không đồng ý biện pháp này không chỉ căn cứ vào đề xuất của Bộ Công Thương mà có cả ý kiến của Bộ Tài chính và NHNN.

Trước đó, ngày 16/5/2012, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4139 gửi Chính phủ thể hiện quan điểm không đồng tình với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù, lượng tồn kho đường và giá đường tháng 2-3 có giảm so với cùng kỳ nhưng từ tháng 4 giá đường đã tăng và có thể tiếp tục tăng khi nhu cầu cao vào mùa hè và dịp Tết Trung thu. Cộng với đó, lượng đường sản xuất trong nước đã gia tăng.


Tổng cung đường năm 2012 dự kiến đạt 1.485 nghìn tấn. Ảnh: BTK

Dư luận cho rằng, việc bất đồng ý kiến giữa 2 bộ khiến việc điều hành thị trường đường bị rối?

Không có bất đồng quan điểm giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc điều hành của hai bộ đều xuất phát từ quan điểm là điều hành đường phải đảm bảo lợi ích của DN, của người sản xuất, bảo đảm ổn định thị trường, tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu và các cam kết của Việt Nam với WTO. Chỉ có việc đề xuất của hai Bộ ở hai thời điểm khác nhau (tháng 3 và tháng 5) nên căn cứ là số lượng hàng tồn kho và giá đường đã thay đổi. Để đi đến quyết định có văn bản “bác” đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các vụ liên quan phải làm việc với đơn vị này và với Hiệp hội Mía đường để thống nhất quan điểm.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tháng 8, 9/2012 sẽ có nguy cơ thiếu đường, vậy Bộ Công Thương có tính toán gì bảo đảm cung cầu?

Chúng tôi chưa nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này. Tuy nhiên, qua tổng hợp sản xuất đường trong nước cho thấy, tổng cung dự kiến 1.485 nghìn tấn, trong đó khả năng sản xuất trong nước khoảng 1.315 nghìn tấn, và tồn kho của năm trước chuyển sang 100 nghìn tấn. Bên cạnh đó, năm 2012, Bộ Công Thương cũng cho nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan là 70 nghìn tấn. Trong khi tổng cầu dự báo khoảng 1.411,5 nghìn tấn. Căn cứ vào tổng cung và tổng cầu như vậy, việc dự báo thiếu đường cần phải xem xét lại. Chúng ta có đủ biện pháp để đáp ứng đủ mặt hàng đường cho thị trường trong nước.

Liên quan đến hạn ngạch thuế quan đường, theo cam kết WTO, năm 2012, Việt Nam sẽ cấp khoảng 70 nghìn tấn, nhưng từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương mới cấp 30 nghìn tấn, số còn lại chưa cấp. Như vậy, vẫn còn lượng đường theo hạn ngạch thuế quan sẵn sàng cho nhập khi thiếu. Cần lưu ý là đường không phải là mặt hàng cấm nhập, nên nếu thiếu, DN vẫn có thể nhập được. Chỉ có khác là nếu DN nhập theo hạn ngạch sẽ được hưởng ưu đãi về thuế.

Xin cảm ơn ông!

Dương Công Chiến (thực hiện)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều