Đừng để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau

08:00 | 29/11/2019

Chính vì tư duy “kệ họ” nên đến nay chưa có thống kê đầy đủ về hộ, bức tranh về hộ rất mờ nhạt và thiếu khuyết...

Không bỏ con dấu sẽ bảo vệ doanh nghiệp tốt hơn
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Khiên cưỡng?
dung de ho kinh doanh bi bo lai phia sau
Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ cần phải được điều chỉnh bởi luật

Bỏ quên khu vực đóng góp 30% GDP

Là thành viên ban soạn thảo Luật DN sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tỏ ra bức xúc và cũng có chút thất vọng trước những ý kiến không đồng tình đưa hộ kinh doanh vào Luật DN.

“Việc đưa hộ kinh doanh vào luật này hay không chỉ là biện pháp kỹ thuật. Khi trình dự thảo luật, Chính phủ đã giải thích rõ, thuyết minh rõ, không có sự cưỡng ép nào bắt hộ kinh doanh phải thành DN”, ông Hiếu nói rõ.

Hơn nữa, hộ kinh doanh không phải là nội dung mới hoàn toàn. Ở Luật DN 2019, Khoản 2 Điều 212 đã quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ…

“Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể bằng nghị định”, ông Hiếu khẳng định và băn khoăn với quy trình làm luật hiện nay, nếu làm luật riêng về hộ kinh doanh thì cũng phải 3-5 năm nữa mới ban hành được luật. Vậy trong khoảng thời gian này sẽ phải ứng xử thế nào với hộ kinh doanh?

Là người kiên định với quan điểm “hộ kinh doanh cần có địa vị pháp lý”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc dự thảo Luật DN sửa đổi đã đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh chứ không chỉ quan tâm tới 700 ngàn DN hiện hành, cho thấy quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

“Không đưa hộ kinh doanh vào Luật DN đã để lại một hậu quả pháp lý: Trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật DN; còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, thì chỉ được chế định trong một nghị định do Chính phủ ban hành”, ông bức xúc.

Trong khi, với quy định hiện hành hộ đang bị hạn chế rất nhiều như chỉ được thuê nhiều nhất 10 lao động, chỉ hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Bởi vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN khác.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, được chính danh trong Luật DN sửa đổi lần này, hộ kinh doanh sẽ có thêm nhiều thuận lợi. Trước hết, vị trí pháp lý của hộ kinh doanh được quy định rõ ràng, hộ kinh doanh được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định pháp luật. Thứ nữa, hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động. Hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các chính sách khác có liên quan.

Không có tác động xấu đến hộ kinh doanh

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN cũng không có tác động xấu nào, không gây xáo trộn gì với các hộ kinh doanh và họ vẫn hoạt động như trước đây. Nhưng khi được luật hóa, khi vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong luật sẽ giúp họ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại để mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Thậm chí ông Phan Đức Hiếu nhắc lại việc 20 năm nay chúng ta mong hộ kinh doanh phát triển tốt, trở thành DN để chính danh và đã dùng cả 2 cách: Cách ép buộc hành chính bằng việc hạn chế đưa ra quy định khống chế hộ kinh doanh không được thuê quá 10 lao động, chỉ được hoạt động trong phạm vi quận huyện đang ở, không được mở chi nhánh hay văn phòng đại diện…

Cách này đang hạn chế tất cả các quyền và phạm vi kinh doanh của hộ khiến nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ không có cơ hội để phát huy đầy đủ. Cách thứ hai là dùng biện pháp khuyến khích bằng cách đưa ra rất nhiều khuyến khích ưu đãi cho DN mới thành lập từ hộ trong Luật Hỗ trợ DNNVV. Nhưng cách này cũng không hiệu quả và khiến hộ nơm nớp lo đến một ngày nào đó bị ép thành DN.

Cũng khẳng định cần có luật cho hộ kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, không thể để một khu vực đóng góp tới 30% GDP ngoài luật. Chính vì tư duy “kệ họ” nên đến nay chưa có thống kê đầy đủ về hộ, bức tranh về hộ rất mờ nhạt và thiếu khuyết. Thống kê thì nói có 5,2 triệu hộ kinh doanh. Nhưng số thu thuế thì chỉ hiển thị có 1,8 triệu hộ... Hơn nữa với quy định đầy bó hẹp hạn chế hộ như hiện nay khiến rất nhiều hộ vi phạm quy định. Nhiều hộ làm ăn lớn, không thể chỉ thuê 10 làm động, với quy định hiện nay chỉ được kinh doanh trong phạm vi quận huyện thì hộ kinh doanh online là “phạm luật”.

“Những quy định kiểu này đang tước đi quyền kinh doanh của hộ đã được Hiến pháp quy định. Luật DN là luật quy định về hình thức kinh doanh, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh (như các hình thức DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần). Đưa hộ kinh doanh vào Luật DN lúc này không tác động xấu gì tới hộ và phù hợp với lộ trình pháp lý. Đến khi nào các điều kiện về hộ chín muồi thì ban hành luật riêng về hộ”, ông Tuấn nói.

Việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. “Nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng”, ông Hiếu cho biết.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều