Fintech kết nối cho vay trả lương

09:36 | 24/02/2021

Nhu cầu vay vốn nhanh để chi trả lương, thưởng nhằm giữ chân lao động trong những thời điểm khó khăn đã khiến nhiều DN tìm đến các công ty công nghệ tài chính (Fintech).

Dịch bệnh đẩy nhanh hơn công nghệ trả lương

Interloan – một Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng tại TP.HCM cuối năm ngoái đã hợp tác với Liên minh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số DTS và Viec.co (một nền tảng kết nối tức thời lao động tự do với doanh nghiệp), nhằm mục tiêu phát triển giải pháp ứng lương nhanh cho người lao động khi mua sắm trên “Chợ phiên online” và trả trước thù lao cho các cộng tác viên trên sàn Viec.co.

Thỏa thuận hợp tác giữa Interloan với DTS và Viec.co. cho thấy, những tác động của dịch Covid-19 khi làm đứt gãy vòng quay tài chính của doanh nghiệp đã tạo ra một cơ hội phát triển mới cho hoạt động Fintech là nhắm vào công nghệ kết nối trả lương và ứng lương sớm cho người lao động.

Theo các nghiên cứu của Innotech Vietnam, năm ngoái nhóm Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay trả lương tại các thị trường tài chính lớn như Hoa Kỳ và châu Âu đã gặt hái khá nhiều thành công. Ở Mỹ, các nền tảng như Gusto, DailyPay và Chime đều có bứt phá về doanh thu trong năm 2020 và được định giá tăng hàng chục lần trên thị trường chứng khoán.

fintech ket noi cho vay tra luong
Fintech kết nối với các DN để cho vay ứng trước và trả lương chủ yếu là các công ty đối tác của nhau

Thị trường Việt Nam, hiện nay các Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) tiêu biểu như Interloan, Nano, Weway, Gimo… cũng đã bắt đầu hợp tác với nhiều doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối cho vay trả lương, ứng lương cho người lao động.

Ông Trần Đại Dương - Giám đốc điều hành Interloan cho biết, việc kết nối, hợp tác với doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử đang mang lại hiệu quả khá tích cực. Chỉ tính riêng hợp tác với sàn Viec.co trong thời gian vừa qua, Interloan đã ghi nhận hàng nghìn giao dịch ứng lương thành công của người lao động thời vụ tự do. Interloan kết nối với sàn Viec.co và các doanh nghiệp sử dụng lao động, thực hiện ứng lương trước hạn từ 1-5 triệu đồng và chỉ thu phí khoảng 3%.

“Người lao động có thể nhận lương ngay sau khi phía doanh nghiệp và sàn giao dịch xác nhận mức thu nhập và hợp đồng thuê mướn, thay vì phải chờ từ 20 ngày đến 1 tháng sau khi kết thúc công việc. Vì vậy, ngày càng nhiều lao động trên sàn Viec.co đã kết nối với Intreloan để cân nhắc ứng lương”, ông Trần Đại Dương cho biết.

Xu hướng tương lai

Theo dự báo của Innotech Vietnam, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2021, xu hướng đầu tư vào công nghệ ứng trả lương sớm cho người lao động sẽ thu hút nhiều Fintech tham gia.

Theo đó, các Fintech sẽ có xu hướng hợp tác với các tập đoàn, các nhà cung cấp dịch vụ nhân sự và hệ thống trả lương để cho phép tiếp cận một cách linh hoạt tới mức lương kiếm được. Song song đó, các ứng dụng Fintech cũng sẽ đầu tư hệ thống kết nối với doanh nghiệp và ngân hàng để cho phép người lao động tạm ứng tiền lương và nhận lương sớm hơn so với kỳ hạn. Bảng lương trả bằng tiền điện tử rất có thể cũng sẽ được một số thị trường trên thế giới chấp nhận và triển khai.

Riêng tại Việt Nam, ông Trần Đại Dương cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp như hiện nay thì khả năng để các Fintech mở rộng kết nối với các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp sử dụng lao động là khá rộng mở. Khi thị trường có thêm nhiều Fintech cạnh tranh trong hoạt động kết nối ứng trước và trả lương thì độ minh bạch, chuyên nghiệp của dịch vụ tài chính công nghệ cũng sẽ tăng lên. Người lao động, nhất là lao động thời vụ tự do sẽ có thêm nhiều chọn lựa khi có nhu cầu ứng trước thù lao thu nhập của mình, doanh nghiệp sử dụng lao động có thể chi phí hợp lý.

Các chuyên gia tài chính nhận định, xu hướng chung của các Fintech trong năm 2021 sẽ là tập trung vào việc cung ứng các dịch vụ kết nối tài chính cho chuỗi giá trị của các doanh nghiệp nhỏ. Những nền tảng lớn như Amazon, Alibaba, Stripe, Square… mở rộng kết nối thương mại điện tử sẽ kích hoạt các Fintech đầu tư vào công nghệ quản lý thu nhập, ứng trước và trả lương, thanh toán. Xu hướng tích hợp dịch vụ tài chính của Fintech vào các website và app di động của các nhà cung cấp sẽ ngày càng phổ biến. Những diễn biến này sẽ khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính để mắt đến các fintech đang sở hữu số lượng lớn khách hàng có nhu cầu thanh toán, chuyển nhận lương thưởng và thu nhập.

Trong bối cảnh đó, ở góc độ pháp lý, việc ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng sẽ tạo ra hành lang pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn những lĩnh vực như cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, hỗ trợ chấm điểm tín dụng, tiết kiệm và huy động vốn đối với các Fintech.

Góp phần hạn chế tín dụng đen

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) việc các Fintech mở rộng kết nối với các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp để hỗ trợ trả lương, tạm ứng lương cho người lao động là hoạt động tích cực. Thông qua việc kết nối các ứng dụng giải pháp thanh toán và ứng trả lương giữa doanh nghiệp – sàn giao dịch và công ty Fintech các mô hình chuyển đổi số của DN có thể được triển khai nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong việc quản lý hồ sơ, đánh giá nhu cầu tài chính của người lao động cũng như sự tiện lợi mà các ứng dụng dịch vụ công nghệ mang lại phần nào bảo vệ được người lao động khỏi các loại hình tín dụng đen.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều