Theo Báo cáo “Fintech ở ASEAN: Thức giấc, Lấy đà, Chạy” do Ngân hàng UOB, Công ty PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) thực hiện, ASEAN là lựa chọn hàng đầu cho kế hoạch mở rộng thị trường của các công ty tài chính (78%). Khu vực ASEAN cũng là địa chỉ mở rộng kinh doanh hàng đầu cho các công ty fintech đến từ ngoài ASEAN (69%).
Ảnh minh họa |
Sự lạc quan này đến từ xu hướng số hóa trong ASEAN giữa bối cảnh dịch bệnh, với hơn 40 triệu người dùng Internet mới mỗi năm. 70% dân số ASEAN hiện nay dùng Internet, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới khi các dịch vụ số như chợ online trở nên phổ biến.
Xu hướng chung này tạo cơ hội cho các công ty fintech trong khu vực ASEAN cung cấp cho người dân những giải pháp tài chính số trong các lĩnh vực như thanh toán hay cho vay. Một cách thức mà các công ty fintech có thể mở rộng dịch vụ trong ASEAN là thông qua việc hợp tác với các ngân hàng để kết hợp lợi thế của hai bên, bao gồm các điểm dịch vụ khách hàng của ngân hàng cũng như năng lực công nghệ của các công ty tài chính.
“Khi các công ty fintech trong ASEAN tiếp tục mở rộng, việc hợp tác là thiết yếu trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững trong bối cảnh những yêu cầu về pháp lý và vận hành đa dạng ở các nước. Tận dụng được thế mạnh bổ sung của việc hợp tác cũng sẽ cho phép các công ty fintech tiếp cận nhiều khách hàng hơn, và hỗ trợ cho khách hàng trong công việc, vui chơi và sử dụng dịch vụ ngân hàng”, bà Janet Young, Giám đốc Kênh dịch vụ và Số hóa của Ngân hàng UOB, cho biết.
Ví dụ, việc hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng và công ty fintech trong ASEAN đã mang lại công nghệ tốt nhất, cũng như năng lực chuyên môn cao nhất. Điều này dẫn tới sự ra đời của các giải pháp sáng tạo giúp dịch vụ ngân hàng đơn giản hơn và dễ tiếp cận hơn trong toàn ASEAN.
Trong tổng số 95 thương vụ đã hoàn tất trong ba quý đầu năm 2020, gần 2/3 các thương vụ dành cho các công ty fintech tại Singapore. Quan tâm đầu tư vào các công ty fintech tại Singapore cũng rất lớn, theo đó các công ty Singapore thu hút nguồn đầu tư lớn nhất (42%) nguồn vốn đầu tư trong khu vực. Điều này có thể do các nhà đầu tư đặt tin tưởng vào môi trường kinh doanh và pháp lý thuận lợi của Singapore cũng như khả năng kiểm soát các sự cố như dịch bệnh COVID-19.
Với việc Singapore là thị trường nhiều kinh nghiệm nhất về fintech trong ASEAN, vốn đầu tư cho các công ty fintech Singapore khá đa dạng trong các lĩnh vực, như cho vay, thanh toán, công nghệ ngân hàng là các lĩnh vực dẫn đầu. Ở các thị trường ASEAN khác, đầu tư vào giải pháp thanh toán tiếp tục chiếm chủ đạo với những kỳ vọng về việc áp dụng và sử dụng các giải pháp thanh toán số.
“Năm ngoái, Singpaore tiếp tục thu hút nhiều đầu tư nhất và vẫn tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong ASEAN về fintech. Một nguyên nhân của việc này là hệ sinh thái hiệu quả, hợp tác và hỗ trợ của nước này”, bà Wong Wanyi, Trưởng Bộ phận fintech của PwC Singapore, cho biết.
Ví dụ, những chính sách khuyến khích của chính phủ và các hiệp hội như Hiệp hội fintech Singapore cũng như văn hóa khởi nghiệp và chia sẻ tri thức đã giúp đẩy nhanh sự phát triển của lĩnh vực này.
Những công ty fintech đang đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển nhân tài trong lĩnh vực này. Sự vào cuộc của chính phủ, doanh nghiệp, và nhân sự tài năng là nguyên nhân chính đảm bảo thành công cho một trung tâm fintech.
Theo báo cáo, các công ty fintech tiếp tục lạc quan về tương lai dù hoàn cảnh dịch bệnh. Khoảng 2/3 (65%) số các công ty này cho rằng dịch bệnh không ảnh hưởng hoặc thậm chí ảnh hưởng tích cực tới việc gọi vốn trong tương lai của họ (65%), và tới đầu tư giai đoạn sau (62%).
Đa số các công ty fintech ở ASEAN (87%) cho biết họ đang đi đúng kế hoạch để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau dịch, tập trung vào sáng tạo sản phẩm và tăng trưởng doanh thu trong năm tới.
“Có những ly do rõ ràng cho việc các công ty fintech ở ASEAN tiếp tục lạc quan về tương lai khi dịch COVID-19 đẩy nhanh việc ứng dụng tài chính số bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông Chia Hock Lai, Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, nói.
Để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng trong vùng, các công ty fintech cần linh hoạt trong việc điều chỉnh sản phẩm và mô hình kinh doanh để hoàn thiện, bao gồm việc hợp tác với các định chế tài chính truyền thống để phát triển nhanh trong môi trường năng động nhưng khác biệt trong khu vực ASEAN.
Diệu Linh