Gập ghềnh đường về "sân nhà "

18:55 | 14/05/2012

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam được bạn hàng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng với kim ngạch dự kiến trong năm nay có khả năng vượt hơn 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại "sân nhà", doanh số hàng năm về mặt hàng này đạt 1 tỷ USD thì trong đó chỉ chiếm khoảng 35% sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Các DN ngành gỗ cho rằng, do chiến lược kinh doanh của nhiều DN từ trước đến nay là hướng tới xuất khẩu nên không quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Chỉ khi kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường bị thu hẹp… DN mới tìm cách quay về thị trường nội địa. Nhưng việc bỏ thị trường nội địa trong một thời gian dài khiến không ít DN ngành này lúng túng do không nắm bắt được xu hướng, thị hiếu khách hàng, không có thương hiệu, không thiết lập được mạng lưới phân phối…

Không riêng gì ngành gỗ, một số ngành hàng như may mặc, bán lẻ… cũng gặp phải tình trạng tương tự. Hiện nay, tại nhiều cửa hàng nhỏ, chợ truyền thống, nhất là khu vực nông thôn, vùng xa… mặt hàng may mặc, đồ dùng gia dụng, thậm chí một số mặt hàng nông sản đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, hoặc một số nước ASEAN. Đặc biệt, đối với phân khúc cao cấp nhiều mặt hàng như túi xách, giày dép, hóa mỹ phẩm… chỉ có chỗ đứng cho các thương hiệu của nước ngoài, hầu như hàng Việt Nam rất khó chen chân. Đối với hệ thống bán lẻ hiện đại, dù DN Việt có mặt cũng khá sớm nhưng đến nay thị trường này vẫn là "miếng bánh ngon" cho các tập đoàn, DN nước ngoài như Big C, Citimart, Parkson… Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, nếu không nhanh chóng thiết lập chiến lược kinh doanh, coi thị trường nội địa là nơi "bám rễ" thì với tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, nguy cơ DN nội không có chỗ đứng trên sân nhà đã thấy rõ.

Theo ý kiến một số hiệp hội ngành nghề tại TP. HồChí Minh, để phát triển thị trường nội địa, cần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo lập kênh lưu thông ổn định, các chuỗi cung ứng, gắn kết chặt chẽ, phân phối lợi ích hợp lý giữa sản xuất, chế biến và phân phối trên thị trường. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa phương thức kinh doanh hiện đại và truyền thống, coi trọng mở rộng thị trường nông thôn, các hộ kinh doanh nhỏ...

Nhật Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều