Ngân hàng đã sớm xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số để tiếp cận nhóm khách hàng Gen Z |
Thế hệ số đầy tiềm năng
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), có đến 80% thế hệ Gen Z hiện nay sử dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh; Gen Z trở thành khách hàng tiềm năng lớn kế tiếp trong độ tuổi 25 đến 40 tuổi được đánh giá là thế hệ thiết lập tốc độ cho sự phát triển của ngân hàng số trong tương lai.
Tại Việt Nam, chia sẻ với báo chí, ông Đào Trung Thành, chuyên gia chuyển đổi số cho biết, thế hệ Z – thế hệ được sinh ra sau khi Internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Điều này giúp số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng và Gen Z có tiềm năng trở thành khách hàng cao cấp trong tương lai.
Cùng chung nhận định này, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Dễ nhận thấy tiềm năng của các xu hướng này đối với nhóm người dùng trẻ là rất lớn. Trong đó, người tiêu dùng Gen Z thể hiện sự tin tưởng và hào hứng đáng kể đối với các dịch vụ thanh toán và kênh tiêu dùng mới.
Thực tế, với sự năng động, thông thạo công nghệ, tư duy tiến bộ, cởi mở cũng như kỹ năng quản lý tài chính cá nhân nhạy bén... của thế hệ Z, các ngân hàng đã sớm xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số để tiếp cận nhóm khách hàng này. Theo đó, các nhà băng đang nỗ lực đầu tư các giải pháp công nghệ để tiếp cận khách hàng Gen Z bằng cách thấu hiểu thói quen tiêu dùng 4.0.
Công nghệ cho thế hệ mới
Là một trong những ngân hàng triển khai mạnh mẽ số hóa, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đầu tư và phát triển mô hình "Không gian sáng tạo số" (Digital Hub) tại các trường đại học hàng đầu cả nước để tiếp cận hiệu quả với nhóm khách hàng trẻ. Đồng thời, tích hợp các tính năng tiện ích có tính tương tác cao để gia tăng sự gắn kết nhu cầu hàng ngày của khách hàng với ngân hàng số.
Theo các nghiên cứu về tâm lý tiêu dùng, tiện lợi và nhanh chóng là những “tấm thẻ xanh” khi Gen Z lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Đó là lý do vì sao các thương hiệu đồ ăn nhanh và chuỗi cửa hàng tiện lợi luôn được đa số Gen Z trên thế giới yêu thích, trong đó có Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà băng đã nhanh chóng hợp tác với các thương hiệu trên để đem đến các giải pháp thanh toán số nhiều ưu đãi cho Gen Z.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hợp tác cùng SmartPay đưa giải pháp thanh toán số bằng mã QR đến với hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 và 7-Eleven. Trước đó, Ngân hàng số Timo cũng mở rộng hệ sinh thái số của mình bằng việc liên kết cùng chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s và 7-Eleven để nhanh chóng “phủ sóng” khắp thị trường Việt Nam cũng như tăng độ nhận diện thương hiệu.
Không chỉ tiện lợi, ngân hàng số còn giúp Gen Z sống đúng với nhu cầu ''cuộc sống không tiền mặt’’. Ví dụ, Gen Z sở hữu tài khoản tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có thể chuyển tiền trực tuyến miễn phí tới mọi ngân hàng ở Việt Nam, thanh toán hóa đơn, nạp thẻ điện thoại, thanh toán nhanh bằng mã QR, liên kết ví và mua sắm trực tuyến … Nếu quên mang thẻ hay không nhớ mã pin tính năng nhận diện khuôn mặt sẽ giúp Gen Z hoàn thành được giao dịch. Ngoài ra, công nghệ gọi điện trực tuyến đảm bảo xác minh thông tin qua app giúp Gen Z nâng hạn mức giao dịch ngay trên app mà không cần đến quầy hay gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng.
Đặc biệt, với quan điểm thực tế và nhạy bén, gen Z đã và đang lựa chọn sử dụng ngân hàng số để đầu tư sinh lời từ những khoản tiền nhỏ và phân bổ vào nhiều kênh khác nhau nhằm quản lý tài sản một cách hiệu quả và tiện ích nhất. Với ngân hàng số Gen Z có thể gửi tiết kiệm trực tuyến có lãi suất cao hơn.
Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), khách hàng Gen Z có thể làm thủ tục đăng ký mở tài khoản 100% trực tuyến trên ngân hàng số và gửi tiết kiệm trực tuyến bằng tính năng định danh điện tử eKYC với lãi suất tăng 0,4% đến 0,6% so với lãi suất tại quầy. Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) áp dụng mức lãi suất cao hơn giao dịch tại quầy lên đến 0,5%/năm. Ngoài ra, Gen Z có nhu cầu đầu tư chứng khoán, trái phiếu… ngân hàng cũng hỗ trợ các dịch vụ thanh toán số.
Là người thuộc thế hệ Gen Z tại Hà Nội, bạn Nguyễn Thị Vân Ngọc chia sẻ, bản thân mình là một người yêu thích khám phá công nghệ cũng không tưởng tượng được hệ thống ngân hàng số lại đa dạng và có nhiều điều thú vị như hiện nay. Mỗi ngân hàng đều đem đến những trải nghiệm khác biệt, một khi đã dùng thì sẽ đặc biệt yêu thích nó. So với việc chỉ học kiến thức quản lý tài chính trên sách vở thì việc được trải nghiệm những nền tảng số giúp mình có cái nhìn sâu sát hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các ngân hàng số không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách hàng Gen Z mà còn là tăng cường sự gắn bó của họ, hướng tới phát triển thành thế hệ khách hàng mới bền vững của ngân hàng. Bởi theo nghiên cứu của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), thế hệ khách hàng Gen Z có những kỳ vọng cao đối với dịch vụ ngân hàng trong khi mức độ trung thành tương đối thấp, có hơn 50% khách hàng Gen Z sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp thay thế ngay lập tức nếu họ không có cảm giác được lắng nghe hoặc có những trải nghiệm tồi khi sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, một chuyên gia ngân hàng đề xuất, cộng đồng có vai trò vô cùng lớn trong việc tạo ra các giá trị gia tăng như lòng trung thành của khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng thuộc Gen Y, Gen Z… Xây dựng được cộng đồng cho từng nhóm khách hàng sẽ lan tỏa mạnh mẽ và tự nhiên về thương hiệu, sự bảo chứng đáng tin cậy về vị thế của ngân hàng.
Hương Giang