Giá điện bao giờ hết độc quyền?

13:39 | 07/06/2012

Hiện nay chưa thể khắc phục được độc quyền trong khâu truyền tải điện, phân phối điện... Và như vậy mối quan hệ bất bình đẳng giữa khách hàng và bên cung cấp sẽ còn dài dài.

Bình đẳng - chờ dài dài

Thảo luận ở tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 6/6, các đại biểu đưa ra nhiều vấn đề còn bất cập của Luật này. Các đại biểu cho rằng, sau 7 năm đi vào hoạt động đến nay Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nên sửa đổi, bổ sung Luật này là hợp lý.


Người dân vẫn mong muốn giá điện giảm nhiều hơn. Ảnh: BTK

Chẳng hạn, mặc dù đồng tình với quy định tại Điều 29: “Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”, song nhiều đại biểu lưu ý, Chính phủ khẳng định thị trường điện cạnh tranh được hình thành, phát triển theo ba giai đoạn: giai đoạn 2005 - 2014 là thị trường phát điện cạnh tranh; giai đoạn 2014 - 2022 thị trường điện bán buôn cạnh tranh; sau năm 2022 là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Như vậy, hiện nay chưa thể khắc phục được độc quyền trong khâu truyền tải điện, phân phối điện... Và như vậy mối quan hệ bất bình đẳng giữa khách hàng và bên cung cấp sẽ còn dài dài. Để khắc phục sớm mối quan hệ bất bình đẳng này, đại biểu Huỳnh Minh Thiện đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 1a, Điều 29 là: đơn vị cung cấp điện phải công khai, minh bạch quy chế vận hành và cơ cấu giá điện thị trường theo từng thời điểm. Có như vậy mới thực hiện được quyền và nghĩa vụ của các bên. Nhà cung cấp có trách nhiệm của mình và người tiêu dùng cũng yên tâm khi giá điện được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường.

Hội chứng... phí

EVN phải công khai, minh bạch quy chế vận hành và cơ cấu về giá bán điện trong từng thời điểm. Như vậy người dân mới giám sát được, và sẽ không thể có chuyện giá điện tự nhiên nhảy lên...

(Đại biểu Huỳnh Minh Thiện - TP. Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, theo một số đại biểu, có vẻ như “hội chứng phí” không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực giao thông mà còn có trong cả Luật Điện lực. Tại khoản 5, Điều 31 Dự thảo Luật quy định: “Phí điều tiết hoạt động điện lực là khoản tiền tổ chức, cá nhân trả cho Nhà nước để bù đắp chi phí cho công tác điều tiết các hoạt động điện lực. Phí điều tiết hoạt động điện lực được thu hàng năm, được xác định trên quy mô phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh mua bán điện năng của đơn vị điện lực. Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí điều tiết hoạt động điện lực”.

Cụ thể hơn, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang nêu ý kiến: Khoản 2 Điều 31 Luật Điện lực hiện hành quy định cơ cấu giá điện có 3 loại giá (phát điện, bán buôn, bán lẻ) và 5 loại phí (phí truyền tải, phân phối, phí điều độ hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện và phí dịch vụ phụ trợ). Dự thảo Luật đã sửa khoản 2 Điều 31, theo đó 3 loại phí là phí truyền tải, phí phân phối, phí dịch vụ phụ trợ đã được quy định thành 3 loại giá tương ứng. “Tôi chỉ đồng tình về phí điều độ hệ thống điện vì cần đơn vị điều độ vận hành. Còn phí điều hành giao dịch thị trường thì tôi băn khoăn do không biết cơ quan nào làm việc này. Nếu giao cho Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) e rằng không hợp lý. Vì cục này vừa quản lý nhà nước, vừa điều hành, vừa thu phí sẽ dẫn tới “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Theo tôi cần phải làm rõ cơ quan nào thực hiện và thực hiện thế nào” – bà Trang đề xuất.

Với rất nhiều loại giá và phí khác nhau để cấu thành giá bán điện như vậy nên có ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần giải thích các loại giá và phí để tránh trùng lắp. Đại biểu Ngô Ngọc Bình còn đề nghị: “Nên bỏ bớt các loại phí, vì anh có điện bán cho tôi đã tính vào giá thành rồi, tôi mua điện rồi còn tính các loại phí gì nữa?”.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải xây dựng Luật Điện lực “hướng tới tương lai”, để tránh tình trạng Luật ban ra không bao lâu đã lỗi thời. Không nên để xảy ra chuyện Luật Điện lực sửa đổi được thông qua tại Quốc hội khóa XIII, nhưng khóa XV đã tính sửa tiếp.

Chí Kiên

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều