Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, cải tiến, nâng cấp các sản phẩm dịch vụ hiện có; phát triển, triển khai các dịch vụ mới; đa dạng hóa các kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với lợi thế về mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng lớn (tính đến 31/12/2019, Agribank có trên 13 triệu tài khoản thanh toán, gần 10 triệu khách hàng sử dụng Mobile Banking, trên 200 ngàn khách hàng sử dụng Internet Banking), khách hàng của Agribank có thể trải nghiệm các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó phần nào hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh trong giai đoạn này.
Ảnh minh họa |
Giao dịch ngân hàng trực tuyến đang được đa số khách hàng lựa chọn bởi nhiều tiện ích như vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện Agribank có gần 220 sản phẩm dịch vụ, trong năm 2019, Agribank vừa phát triển thêm gần 30 sản phẩm dịch vụ và tiện ích mới, nhất là các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm dịch vụ cung cấp đến khách hàng, phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Với số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking đạt khoảng 5,8 triệu khách hàng, Agribank E-Mobile Banking là một trong số dịch vụ ngân hàng điện tử được đông đảo khách hàng lựa chọn bởi nó cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng như: Vấn tin tài khoản, kiểm tra số dư, xem thông tin tài khoản và tra cứu lịch sử giao dịch; chuyển khoản; thanh toán hóa đơn…; đồng thời, cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ phi tài chính ngân hàng như: Trao đổi thông tin; đặt vé máy bay; quản lý đầu tư nạp tiền điện thoại trả trước; mua thẻ game, thẻ điện thoại… Bắt đầu từ 15/4/2020, Agribank E-Mobile Banking có thêm tính năng gửi tiền trực tuyến. Đây là bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay.
Trong thời gian qua, Agribank tập trung triển khai thành công nhiều sản phẩm, chức năng, tiện ích mới trong lĩnh vực thẻ, cụ thể: triển khai mở rộng sản phẩm tiền gửi trực tuyến tại ATM đa chức năng (CDM); dịch vụ Samsung Pay; nghiệp vụ phát hành thẻ chip không tiếp xúc thương hiệu Visa, Master Card; dịch vụ kết nối thanh toán trực tuyến với một loạt Ví điện tử/Trung gian thanh toán; thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa theo quy định của NHNN... Việc mở rộng mô hình Autobank đã góp phần không nhỏ giúp Agribank đón đầu xu thế phát triển công nghệ hiện đại, khẳng định vị trí tiên phong trên thị trường thẻ. Với nhiều tính năng giao dịch vượt trội, màn hình cảm ứng hiện đại, khả năng quay vòng tiền, hệ thống ATM đa chức năng (CDM) được khách hàng đánh giá cao, góp phần không nhỏ tiết giảm chi phí giao dịch tại quầy, gia tăng chức năng, tiện ích cung cấp cho khách hàng.
Trong giai đoạn tới, Agribank sẽ phát triển và hoàn thiện các kênh phân phối theo hướng mở rộng mạng lưới kênh phân phối truyền thống kết hợp với đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch ngân hàng điện tử E-Banking, Mobile Banking, Internet Banking… trên nền tảng công nghệ hiện đại. Song song với đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống sản phẩm dịch vụ và nâng cao chất lượng và an toàn giao dịch trên kênh phân phối điện tử đồng thời nghiên cứu, phát triển kênh phân phối ngân hàng tự động (Auto Banking) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và đúng định hướng về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đẩy mạnh phát triển đề án dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Đề án của Agribank có vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng không chỉ đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Anh Thư