Gia tăng giá trị cây cao su

15:59 | 26/03/2012

Theo quy hoạch phát triển cây cao su của Chính phủ, đến năm 2020 cả nước có diện tích cao su ổn định 800.000 ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn. Trước chủ trương này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư mở rộng diện tích cây trồng, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cây cao su...

 

Lợi thế phát triển dài hạn

Theo Hiệp hội Cao su, Việt Nam có khoảng 150 DN tham gia trồng, sản xuất chế biến và xuất khẩu cao su. Năm 2011 sản lượng cao su xuất khẩu gần 816.600 tấn, với giá trị hơn 3,2 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2010... Năm 2012, các chuyên gia dự kiến sản lượng cao su xuất khẩu đạt kỷ lục ở mức 882.000 tấn. Hiện giá cao su SVR CV ở mức 84 triệu đồng/tấn, tăng 5 - 6 triệu đồng so với tháng 2/2012 và cao hơn 15 triệu đồng so với thời điểm tháng 1/2012.


Cây cao su góp phần xoá đói giảm nghèo. (Ảnh: Internet)

Trên thị trường châu Á, giá cao su thiên nhiên tiếp tục tăng. Tại sàn giao dịch hàng hóa Tokyo, giá cao su giao sau 6 tháng là 339,3 yên/kg; Thượng Hải, giá cao su giao tháng 5/2012 là 29.090 NDT/tấn (tăng 295 NDT), tương đương 4.600 USD/tấn... Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam lớn nhất, chiếm 57,03% thị phần; tiếp đến là Malaysia (11,07%), Ấn Độ (5,86%) và Đài Loan (5,12%).

Theo đánh giá của các chuyên gia: Thị trường cao su thế giới trong thời gian tới tiếp tục có xu hướng tăng, duy trì ở mức trung bình trên 5,1 USD/kg trong năm 2012. Đây là lợi thế cho sự phát triển của ngành cao su trong dài hạn.

Trước yếu tố tích cực từ giá của thị trường, các DN đang đẩy mạnh mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại để tăng sản lượng xuất khẩu. Nhiều DN xuất khẩu cao su tự nhiên có kết quả kinh doanh khả quan, vượt kế hoạch từ 40-50%... Cạnh đó, ngành cao su đang mở rộng diện tích, nâng diện tích trồng cao su cả nước lên 800.000 ha. Ngành cao su đang triển khai nhiều giải pháp phát triển cây cao su để nâng sản lượng 1,1 triệu tấn vào năm 2015 và 1,2 - 1,4 triệu tấn vào năm 2020.

Tây Nguyên, khu vực được đánh giá có tiềm năng về phát triển cây cao su, thời gian qua nhiều DN đẩy mạnh đầu tư cả về diện tích cây cao su cũng như khai thác, chế biến mủ nhằm tăng giá trị xuất khẩu.

Nâng cao quy mô và chất lượng

Công ty Cao su Chư Sê (CRC) đang tập trung đầu tư theo hướng chuyên sâu, đúng quy trình kỹ thuật, phòng trị bệnh, trang bị đầy đủ máng chắn nước mưa, tấm che chén hứng mủ trên 100% diện tích khai thác để tăng năng suất, chất lượng vườn cây. Tổng giám đốc CRC Nguyễn Quốc Khánh cho hay: Để thực hiện chương trình phát triển cao su của Chính phủ đến nay, riêng tại Gia Lai, DN đã mở rộng diện tích trồng cao su lên 9.000 ha. Song song phát triển cao su trong nước, DN đã đầu tư trồng cao su tại Campuchia với diện tích 20.000 ha.

Đối với Công ty Cao su Mang Yang, ngoài diện tích đã đưa vào khai thác, DN này đang tập trung nguồn lực để mở rộng quy mô, diện tích cao su tại các địa phương như: Gia Lai, Kon Tum và Campuchia. Theo Tổng giám đốc Lê Đình Bửu, đến năm 2015 diện tích cao su trồng trong nước của DN khoảng 10.000 ha và Campuchia gần 12.000 ha.

Tương tự, Công ty Cao su Chư Prông (CPR) đang nỗ lực biến một vùng núi hoang tàn sau chiến tranh thành vùng kinh tế phát triển. Hiện DN đang quản lý 7.400 ha cao su, trong đó đang khai thác 5.503 ha.

Những năm gần đây, CPR vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Hiện CPR có một nhà máy chế biến trung tâm công suất 9.000 tấn/năm. Từ nay đến năm 2015, DN này tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một nhà máy nữa với công suất 5.000-6.000 tấn và nâng công suất của nhà máy chế biến hiện tại lên 14.000 tấn/năm.

Cuối năm 2011, Công ty 732 thuộc Tổng công ty 15 (Binh đoàn 15) đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mủ cao su số 5 (tại Kon Tum), công suất 5.000 tấn/năm với giá trị đầu tư trên 80 tỷ đồng...

Không chỉ mở rộng vùng nguyên liệu và quy mô nhà máy, các DN trên cũng đã quan tâm tới việc đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng cho sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO.

Nắm bắt tình hình thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu nhiều về thị trường sản phẩm chỉ thun làm bằng cao su thiên nhiên, Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk đầu tư hơn 10 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm này. Toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ mới, có công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm từ Malaysia. Nguyên liệu sử dụng cho nhà máy chủ yếu là mủ cao su ly tâm do DN sản xuất; 90% sản phẩm chỉ thun phục vụ cho ngành công nghiệp may mặc thời trang và trực tiếp xuất khẩu. Đây là cách để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, nâng cao giá trị xuất khẩu. Thực tế, mỗi đơn vị nguyên liệu thô nếu sản xuất sản phẩm chỉ thun có khả năng tăng gấp 3 lần giá trị.

Ông Phan Sỹ Bình - Tổng giám đốc CPR cho biết, được sự quan tâm của Chính phủ và các địa phương, việc chuyển rừng nghèo thành rừng cao su, đảm bảo được ba mục tiêu, tạo công ăn việc làm, nâng cao, ổn định đời sống cho người dân. Phát triển diện tích cây cao su, DN cũng đồng thời phát triển hạ tầng giao thông, trạm xá, nhà trẻ, trường học đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc.

Thực tế cho thấy, với sự nỗ lực của các DN trong ngành cao su như hiện nay thì chủ trương quy hoạch phát triển cây cao su của Chính phủ đến năm 2020 có diện tích ổn định 800.000 ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn sẽ nằm chắc trong tầm tay, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực vùng biên giới của đất nước.

Chí Thiện

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều