Gia tăng lẩn tránh xuất xứ hàng hoá

07:30 | 13/11/2019

Hiện tượng lẩn tránh xuất xứ hàng hoá vẫn đang tiếp tục lan sang nhiều mặt hàng khác nhau, và trong tương lai sẽ còn nhiều nhóm hàng có nguy cơ bị mượn xuất xứ Việt Nam. 

Nỗ lực ngăn chặn gian lận xuất xứ
Xử lý giả mạo xuất xứ: Cần có chế tài thật mạnh tay

Những ngày gần đây, tâm điểm của hiện tượng này đang tập trung vào mặt hàng xơ sợi và gỗ, do có sự gia tăng đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường như Mỹ.

gia tang lan tranh xuat xu hang hoa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của cơ quan hải quan, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng sợi polyester fliament trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 35%; trong đó nhập từ Trung Quốc tăng 52%, Ấn Độ tăng 47,9%. Đáng chú ý, theo phản ánh của các DN sản xuất xơ sợi trong nước, đơn giá của các đơn hàng mà DN Trung Quốc và Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam chỉ bằng khoảng 50-80% chi phí sản xuất sợi polyester fliament của một số DN trong nước.

Kết quả điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho thấy, sở dĩ các DN từ hai quốc gia trên chào mức giá chiếm lĩnh thị trường, là bởi DN nước này đang được hưởng các khoản trợ cấp từ Chính phủ 2 nước. Các khoản trợ cấp này không phù hợp với Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), như các khoản vay hỗ trợ xuất khẩu từ các ngân hàng quốc doanh, các khoản tín dụng xuất khẩu do ngân hàng xuất khẩu cấp cho nhà xuất khẩu, bảo lãnh xuất khẩu của ngân hàng, các khoản trợ giá của chính quyền trung ương và địa phương cho các thương hiệu nổi tiếng…

Hiện tượng trên khiến các DN sản xuất sợi trong nước gặp nhiều khó khăn, trong khi ngành dệt may Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng do lệ thuộc vào nguồn sợi nhập từ các nước trên. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có nguy cơ bị nước này áp thuế bổ sung nếu xác định được nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ 2 nước trên, hoặc nếu xuất sang các quốc gia của nhóm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ không đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ để hưởng thuế suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không thể tận dụng được các lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại và không thể phát triển được chuỗi cung ứng dệt may toàn diện.

Gỗ và sản phẩm gỗ cũng là nhóm hàng đang ở trong tình cảnh tương tự. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các loại ván, bao gồm ván bóc, ván lạng, ván dăm và gỗ dán là các mặt hàng nhập khẩu với lượng và giá trị tăng nhanh trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, tăng trưởng nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu các loại ván này, đặc biệt là mặt hàng gỗ dán vào thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng nhanh.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trend nhận định, thời gian vừa qua, tiêu thụ nội địa không có dấu hiệu gia tăng đột biến. Do đó, gia tăng nhập khẩu đối với các mặt hàng này là do cầu trong chế biến phục vụ xuất khẩu tăng và do gian lận thương mại. Thời gian vừa qua cũng đã có một số bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự gian lận thương mại đối với các mặt hàng gỗ dán là kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, cơ quan này đã "khoanh vùng" 15 nhóm hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ. Đó là dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ...

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương cũng đã đưa ra cảnh báo 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, EU và Canada có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Danh sách được cập nhật đến tháng 7/2019, đứng đầu là sản phẩm gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng ở nhóm cảnh báo mức 4. Nhóm sản phẩm cảnh báo mức 3 gồm đá nhân tạo, đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn. Đây là 2 nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các DN liên quan.

Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi. Trong đó mức cảnh báo 2 gồm vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp; mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí.

Lan Hương

Tin đọc nhiều