Đẩy mạnh giao dịch phi tiếp xúc
Ngày nay, khi chiếc điện thoại di động và các thiết bị điện tử đã trở thành vật dụng thiết yếu đối với mỗi cá nhân, gia đình thì đây chính là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử đa tiện ích. Internet Banking là một trong những kênh ngân hàng điện tử của Agribank cung cấp đến khách hàng các dịch vụ thanh toán tiện ích như: chuyển khoản, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, các dịch vụ công... tất cả đều có thể thực hiện trực tuyến mà không phải đến quầy giao dịch. Chỉ cần dùng chiếc điện thoại thông minh hoặc thiết bị điện tử có kết nối internet thì khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện trong một thế giới phẳng, và không cần phải ra quầy giao dịch tiếp xúc trực tiếp với nhân viên ngân hàng.
Dịch vụ Internet Banking của Agribank không chỉ hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển tiền trong hệ thống Agribank, mà còn có thể chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đến hơn 40 ngân hàng khác với nhiều hạn mức chuyển khoản linh hoạt. Đây là dịch vụ mà bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sở hữu tài khoản của Agribank mở tại bất kỳ chi nhánh nào đều có thể sử dụng.
Thẻ thấu chi và POS của Agribank tại thị trường nông nghiệp nông thôn |
Ngoài những thông tin chính về tài khoản, chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng, dịch vụ thẻ (truy vấn thông tin thẻ, chuyển khoản qua số thẻ, phát hành thẻ phi vật lý, khóa thẻ…)…, dịch vụ Agribank E Mobile Banking còn tích hợp nhiều tiện ích khác như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, thanh toán QR Code, đặt vé máy bay, đặt vé tàu xe, đặt vé xem phim, đặt phòng khách sạn… Riêng trong năm 2020, Agribank triển khai thêm 16 tiện ích dịch vụ trên kênh Agribank E Mobile Banking và phát triển sản phẩm Tiền gửi trực tuyến trên ứng dụng Agribank Emobile Banking đáp ứng nhu cầu gửi tiền trực tuyến, giảm tải giao dịch tại quầy.
Những dịch vụ tiện ích thuận tiện từ các kênh giao dịch ngân hàng điện tử Agribank Emobile Banking và Internet banking không ngừng được bổ sung, nâng cao đã lý giải vì sao trong những năm qua, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agirbank được khách hàng sử dụng nhiều, số lượng các giao dịch ngân hàng điện tử tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản thanh toán tại Agribank đạt trên 15,56 triệu tài khoản (tăng 14,7%, tăng hơn 2 triệu tài khoản so với năm 2019, cao hơn mức bình quân của toàn ngành khoảng 10% - 11%). Trong đó, có trên 12,17 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ mobile banking tăng 23,4%, tăng 2,3 triệu khách hàng. Số khách hàng sử dụng dịch vụ internet banking đạt 255 ngàn khách hàng (tăng 11%) với hơn 1 triệu giao dịch chuyển khoản…
Đặc biệt, trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 trong nước đang có những diễn biến phức tạp, Agribank đã có hoạt động thiết thực chia sẻ với những khó khăn mà khách hàng đang phải trải qua như đồng loạt triển khai chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước trên các kênh giao dịch điện tử. Cụ thể, từ ngày 17/05/2021, Agribank đã triển khai chương trình miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Agribank áp dụng đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử và tại quầy của Agribank. Không những thế, ngày 01/06/2021, Agribank tiếp tục triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trên kênh Internet Banking cả trong và ngoài hệ thống Agribank đối với khách hàng cá nhân; Miễn phí chuyển tiền trong hệ thống và giảm phí lớn chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank đối với khách hàng tổ chức.
Với các chương trình ưu đãi trên, Agribank chấp nhận giảm thu hàng ngàn tỷ đồng dịch vụ, để chia sẻ với những khó khăn mà khách hàng đang phải trải qua. Đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh hơn thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Chú trọng thị trường nông nghiệp, nông thôn
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và đại dịch Covid-19, dịch vụ thẻ Agribank tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì vị thế Top 3 trên thị trường. Agribank tiếp tục được Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức thẻ trong nước, quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là ngân hàng cập nhật nhanh xu thế công nghệ thanh toán hiện đại trong lĩnh vực thẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng trong bối cảnh CMCN 4.0, số hóa nền kinh tế và hoạt động ngân hàng.
Agribank được vinh danh tại giải Sao Khuê 2020 cho phần mềm/hệ thống xuất sắc trong lĩnh vực Ngân hàng – Tài chính năm 2020 với giải pháp Agribank Autobank (CDM); Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank được vinh danh và trao 1 trong 20 giải "sáng kiến vì cộng đồng". Đến 31/12/2020, Agribank có 13,8 triệu thẻ đang hoạt động, trong năm 2020 trên 3,45 triệu thẻ được phát hành. Riêng đề án thẻ nông nghiệp nông thôn có 212.262 thẻ thấu chi được phát hành, 1.732 máy POS được lắp đặt. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng triển khai mô hình ngân hàng tự động Autobank CDM một cách hiệu quả, nhằm giảm các giao dịch trực tiếp tại quầy, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Agribank hiện là một trong số ít các NHTM tiên phong triển khai ATM đa chức năng CDM, hiện toàn hệ thống Agribank trang bị 156 máy CDM. Ngân hàng tự động Autobank CDM với nhiều tính năng giao dịch vượt trội như màn hình cảm ứng hiện đại, khả năng quay vòng tiền, hệ thống CDM được khách hàng đánh giá cao, góp phần tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch tại quầy, chi phí kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM, gia tăng chức năng, tiện ích cung cấp cho khách hàng, không chỉ gửi/rút tiền tự động mà còn thanh toán nợ gốc và trả lãi tiền vay tại CDM thay vì phải đến quầy giao dịch.
Cùng với việc phát triển nhanh chóng của CMCN 4.0 và ngân hàng số, các hình thức thanh toán điện tử như Agribank E Mobile banking, Internet Banking, QR code, ví điện tử, Autobank… đã phát triển song hành cùng các kênh thanh toán ATM, POS vì tiềm năng thị trường và nhu cầu của khách hàng còn rất lớn. Trên thực tế, thanh toán POS (đơn vị chấp nhận thẻ) là xu thế tất yếu của nền kinh tế thanh toán không dùng tiền mặt, ngay cả khi các ngân hàng tiếp cận và triển khai các phương thức thanh toán mới như QR Code, Samsung Pay, Airpay… thì vẫn cần dựa trên nền tảng mở rộng, phát triển đơn vị chấp nhận thẻ. Năm 2020, Agribank phân bổ 6000 POS, qua đó giúp chi nhánh thay thế toàn bộ POS cũ, và phục vụ đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu của chi nhánh về mở rộng thị trường và mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ.
Ngân hàng xác định đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ, đặc biệt tại thị trường nông nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Agribank triển khai đề án thẻ nông nghiệp nông thôn từ năm 2019 với mục tiêu lấy khách hàng là trọng tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích, đồng thời gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và góp phần hạn chế tín dụng đen.
Hiện thực hoá Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã tạo điều kiện cho khách hàng tại địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn được miễn phí phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh, thủ tục linh hoạt. Các công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và các cửa hàng đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản… được miễn phí chiết khấu và lắp đặt máy quẹt thẻ POS với thủ tục đơn giản, quy trình thanh toán nhanh chóng.
Tính đến 31/12/2020, đã có 104/108 chi nhánh địa bàn nông nghiệp nông thôn triển khai đề án thẻ nông nghiệp nông thôn, tổng số lượng thẻ Agribank phát hành đạt trên địa bàn nông thôn đạt gần 240.000 thẻ, hạn mức thấu chi đã cấp là hơn 1.600 tỷ đồng, số POS lắp mới hơn 1.800 POS. Trong bối cảnh hiện nay, khi sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá sản phẩm nông nghiệp giảm, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn… thì những chính sách ưu đãi từ dịch vụ thẻ nông nghiệp nông thôn đã chia sẻ phần nào những khó khăn mà khách hàng đang phải trải qua, góp phần hạn chế được nạn tín dụng đen.
Hương Giang