Ảnh minh họa |
Hỏi: Tôi đi chứng thực bản sao một hợp đồng bằng tiếng nước ngoài. Người thực hiện chứng thực đã yêu cầu tôi phải có bản dịch của hợp đồng này, có chứng thực chữ ký người dịch.
Tuy nhiên, theo tôi được biết thì Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không quy định phải dịch sang tiếng Việt đối với bản sao giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài trước khi thực hiện chứng thực bản sao.
Vậy đề nghị Toà soạn cho biết, việc người thực hiện chứng thực yêu cầu phải dịch bản hợp đồng này sang tiếng Việt trước khi chứng thực bản sao có phù hợp quy định của pháp luật không?
Trả lời: Để đảm bảo chất lượng của bản sao được chứng thực, Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã quy định: “Người thực hiện chứng thực phải kiểm tra tính hợp pháp của bản chính”.
Ngoài ra, Điều 16 của Nghị định này quy định các trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính, trong đó có các trường hợp là: “1. Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo; ... 3. Bản chính không được phép phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, căn cứ quy định này, người thực hiện chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và một số điều kiện của bản chính. Đối với giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt thì người thực hiện chứng thực có thể kiểm tra các điều kiện này, nhưng đối với giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài thì việc kiểm tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, tuy Nghị định số 79/2007/NĐ-CP không quy định việc dịch giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trước khi thực hiện chứng thực bản sao, nhưng người thực hiện chứng thực vẫn có thể yêu cầu dịch để đảm bảo an toàn cho hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính.
Chú thích: Việc quy định người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành theo Luật GDNN là “một quyết định chưa từng có trên thế giới và sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường”.