Ảnh minh họa |
Hỏi: Ba mẹ tôi có thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, nguồn gốc đất là của ông, bà tôi cho cả gia đình tôi cách đây 20 năm để vay ngân hàng. Gia đình tôi có 3 anh em, việc làm hồ sơ thế chấp mảnh đất trên anh, em chúng tôi hoàn toàn không biết. Vì không có khả năng trả nợ nên mảnh đất trên bị tòa án kê biên, phát mại để trả nợ cho ngân hàng.
Tôi có làm đơn đề nghị Tòa án phân chia tài sản cho anh em tôi được giữ lại 2/4 diện tích đất nhưng Tòa án cho rằng chúng tôi không có công lao trong mảnh đất đó và quyết định 3 anh em tôi chỉ được hưởng 10% trên tổng giá trị phần đất và ngôi nhà trên phần đất đó.
Chúng tôi phải làm gì để giữ lại 2/4 diện tích đất? Tôi rất mong được sự giúp đỡ và tư vấn của Tòa soạn. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Theo Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự quy định việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án thì 3 anh em bạn có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản theo thủ tục tố tụng dân sự. Do bạn không nêu rõ bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa nên không thể trả lời bạn chính xác được. Tuy nhiên chúng tôi trao đổi một số ý kiến để bạn tham khảo như sau:
Trường hợp bản án là của Tòa án cấp sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật: Nếu 3 anh em bạn không nhất trí với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, theo quy định Điều 243 và Điều 245 Bộ Luật tố tụng dân sự thì anh, em bạn có quyền làm đơn kháng cáo bản án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Điều luật cũng quy định đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật: Theo quy định tại Điều 254, Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu 3 anh em bạn phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án đó thì trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật anh, em bạn có quyền đề nghị bằng văn bản với Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự.